Ngày nay, việc phát triển kinh tế – xã hội kéo theo nhu cầu giao dịch của người dân càng nhiều, cùng với đó cũng phát sinh các giao dịch bất thường nhằm thực hiện hành vi phạm tội cũng ngày một tăng cao. Để quản lý chặt chẽ vấn đề này, pháp luật quy định cụ thể về mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý Khách hàng tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022;
- Nghị định số 19/2023/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền;
- Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;
- Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg Quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo;
- Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg Quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo;
1. Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định:
“3. Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức quy định.”
Đồng thời, tại Điều 25 Luật này quy định Báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo như sau:
“1. Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chế độ báo cáo về giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.”
Cụ thể, tại Điều 3 Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg quy định Mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng.
Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg sẽ thay thế Quyết định 20/2013/QĐ-TTg. Theo đó, quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng trở lên. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2023.
Như vậy, giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là giao dịch bằng tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong ngày và có tổng giá trị tối thiểu bằng hoặc vượt mức quy định. Đồng thời, đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện. Theo quy định hiện nay, giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300.000.000 đồng và sẽ được nâng lên thành 400.000.000 đồng kể từ ngày 01/12/2023.
2. Đối tượng thực hiện và hình thức báo cáo
Khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định Đối tượng báo cáo như sau:
“1. Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
a) Nhận tiền gửi;
b) Cho vay;
c) Cho thuê tài chính;
d) Dịch vụ thanh toán;
đ) Dịch vụ trung gian thanh toán;
e) Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền;
g) Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;
h) Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;
i) Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;
k) Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;
l) Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;
m) Đổi tiền.
2. Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
a) Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;
b) Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;
c) Kinh doanh kim khí quý, đá quý;
d) Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;
đ) Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.”
Cùng với đó, theo Điều 36 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định Hình thức báo cáo như sau:
“Điều 36. Hình thức báo cáo
1. Đối tượng báo cáo gửi dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản giấy khi chưa thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục vụ cho yêu cầu gửi dữ liệu điện tử đối với các báo cáo được quy định tại các điều 25, 26 và 34 của Luật này.
2. Trường hợp cần thiết, đối tượng báo cáo có thể báo cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử nhưng phải bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin báo cáo và phải xác nhận lại bằng một trong hai hình thức quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải gửi kèm hồ sơ mở tài khoản đối với các giao dịch thực hiện thông qua tài khoản, thông tin nhận biết khách hàng, các chứng từ và tài liệu khác liên quan đến giao dịch đáng ngờ, các biện pháp phòng ngừa đã thực hiện.”
Từ những quy định trên có thể thấy, đối tượng thực hiện báo cáo giao dịch có giá trị lớn qua hai hình thức: Gửi dữ liệu điện tử hoặc báo cáo bằng văn bản giấy khi chưa thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin tương thích phục cho yêu cầu gửi dữ liệu điện tử. Trường hợp cần thiết thì có thể gửi qua fax, điện thoại, thư điện tử nhưng phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và phải xác nhận lại bằng một trong hai hình thức đã nêu.
3. Thời hạn báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo
Khoản 1 Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2022 quy định:
“Điều 37. Thời hạn báo cáo
1. Đối tượng báo cáo phải báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo quy định tại Điều 25 và giao dịch chuyển tiền điện tử quy định tại Điều 34 của Luật này trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch trong trường hợp báo cáo bằng dữ liệu điện tử; trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch trong trường hợp báo cáo bằng văn bản giấy.”
Có thể thấy, đối với các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo thì phải thực hiện theo đúng thời hạn quy định. Mỗi hình thức báo cáo sẽ có quy định về thời hạn khác nhau. Cụ thể: Kể từ ngày phát sinh giao dịch, đối với báo cáo bằng dữ liệu điện tử thì thời hạn là 01 ngày làm việc; còn với hình thức báo cáo bằng văn bản giấy thì thời hạn là 02 ngày làm việc.
4. Các trường hợp giao dịch có giá trị lớn được xem là bất thường hoặc phức tạp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp được xem là các giao dịch đặc biệt cần được giám sát.
Cụ thể, tại Điều 8 Nghị định 19/2023/NĐ-CP, Giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp quy định như sau:
“1. Giao dịch có giá trị lớn bất thường là giao dịch rõ ràng không tương xứng với thu nhập hoặc không phù hợp với mức giá trị giao dịch thường xuyên của khách hàng với đối tượng báo cáo.
2. Giao dịch phức tạp là giao dịch không phù hợp với quy mô, loại hình và lĩnh vực hoạt động của khách hàng hoặc không phù hợp với tần suất, phương thức và quy mô của các giao dịch tương đương trong cùng ngành, lĩnh vực.”
Như vậy, đối với các giao dịch có dấu hiệu như trên, đối tượng báo cáo phải giám sát bằng cách áp dụng các biện pháp tăng cường theo quy định, kiểm tra thông tin và mục đích của giao dịch; trường hợp có nghi ngờ, đối tượng báo cáo phải xem xét, phân tích, báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch đó.
5. Mức phạt hành vi không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo
Căn cứ khoản 27 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 44 Nghị định 88/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 44. Vi phạm quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, báo cáo hành vi tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
1. Phạt tiền 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.
2. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn;
b) Không báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt;
c) Không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử;
d) Không báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống rửa tiền, không báo cáo khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc khách hàng nằm trong danh sách đen, danh sách bị chỉ định theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố, pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc phải gửi lại báo cáo đầy đủ, chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
Theo đó, phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi báo cáo không đúng thời hạn quy định và phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo giao dịch có giá trị lớn,.
Bên cạnh đó, nếu đối tượng thực hiện giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo nhưng không báo cáo thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội rửa tiền theo quy định của Bộ luật Hình sự nếu hành vi này có những dấu hiệu đáng ngờ. Do đó, khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn, cần tuân thủ quy định của pháp luật.
—– XEM THÊM: HÀNH VI RỬA TIỀN SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?