ĐIỀU KIỆN VÀ QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU (PHẦN I)

Nhãn hiệu (Thương hiệu) là dấu hiệu đặc trưng dùng để phân biệt các sản phẩm, hàng hoá dịch vụ của mỗi cá nhân, tổ chức đối với các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên thị trường. Tuy nhiên, không phải nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân nào cũng được phép làm thủ tục cấp văn bằng đăng ký bảo hộ mà phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp thêm thông tin cho Quý khách hàng về vấn đề này.

I.NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BẢO HỘ THƯƠNG HIỆU

1.Bảo hộ thương hiệu là gì?

Bảo hộ thương hiệu là một hình thức mới của sản phẩm được tập hợp từ những cảm nhận, các dấu hiệu nhận biết, các mối quan hệ, những trải nghiệm của khách hàng về một sản phẩm, một dịch vụ hay một doanh nghiệp với các khía cạnh: giá trị, mô tả nhận diện, cá tính.

2.Sự cần thiết của bảo hộ thương hiệu

–    Được pháp luật bảo vệ: Đảm bảo Doanh nghiệp kinh doanh và phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình gắn liền với nhãn hiệu đó dưới sự bảo hộ của pháp luật. Nói một cách khác, Doanh nghiệp phát triển thương hiệu một cách “danh chính ngôn thuận”.

–    Giúp quảng bá thương hiệu: Từ nhãn hiệu đã đăng kí và được pháp luật bảo vệ, Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu đi cùng với chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị thương mại, trở thành thương hiệu riêng của Doanh nghiệp. Việc này giúp Khách hàng nhanh chóng biết đến vị trí và tên tuổi của Danh nghiệp bạn trên thị trường thông qua quảng cáo và tiếp thị.

–    Tránh khả năng nhầm lẫn thương hiệu: Cùng với tính chính danh khi sử dụng nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ, không ai có quyền được xâm phạm, đạo nhái tới nhãn hiệu đã được bảo hộ này. Đăng kí bảo hộ nhãn hiệu bảo vệ nhãn hiệu khỏi bị các đơn vị khác sử dụng trùng lặp dù vô tình hay cố ý, gây ảnh hưởng và gây nhầm lẫn tới chính thương hiệu của Doanh nghiệp.

II.THƯƠNG HIỆU VÀ NHÃN HIỆU CÓ PHẢI LÀ MỘT?

Dưới góc nhìn của pháp luật, chỉ có khái niệm nhãn hiệu và gắn liền với nhãn hiệu là hàng hóa, sản phẩm hay dịch vụ mà Doanh nghiệp kinh doanh, không có khái niệm về thương hiệu. Cái tên thương hiệu thường xuất hiện dưới góc nhìn của thị trường, bao trùm các yếu tố như: logo, tên gọi, ấn tượng của khách hàng, chất lượng sản phẩm, danh tiếng, giá trị thương mại… Ai cũng có thể tự tạo ra nhãn hiệu, nhưng để nó trở thành thương hiệu được đông đảo người dân biết tới, cần một quá trình xây dựng và vun bồi.

Xét ở một khía cạnh nào đó, ta có thể hiểu rằng: Nhãn hiệu là cái có trước, thương hiệu là cái có sau. Sau một quá trình phát triển để chiếm được lòng tin Khách hàng, tạo dựng ấn tượng cho Khách hàng, nhãn hiệu mới trở thành thương hiệu.

Quá trình này được thể hiện như sau:

Nhãn hiệu (Trademark) ⏩⏩ Nhãn hiệu tin tưởng (Trustmark) ⏩⏩ Nhãn hiệu yêu thích ( Lovemark ) ⏩⏩ Thương hiệu (Brand)

? Xem thêm bài viết: So sánh giữa thương hiệu và nhãn hiệu của Luật Phúc Cầu

III. ĐIỀU KIỆN, QUY TRÌNH ĐỂ BẢO HỘ NHÃN HIỆU

1.Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (sau đây gọi chung là Luật SHTT), nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

THỨ NHẤT, là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng (i) chữ cái, từ ngữ, (ii) hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc (iii) sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

         Pháp luật Việt Nam hiện tại chỉ bảo hộ những thương hiệu mang nhãn hiệu có thể nhìn thấy bằng thị giác của con người: tức thông qua việc nhìn ngắm, quan sát nhãn hàng hoá để phân biệt với hàng hoá, dịch vụ khác trên thị trường. Nói cách khác, nhãn hiệu phải tồn tại dưới dạng vật chất chứ không phải vô hình để con người có thể quan sát được. (Ví dụ: nhãn hiệu dưới dạng hình ảnh như Logo Apple với hình ảnh trái táo khuyết được khắc trên các thiết bị.)           

         Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định nếu nhãn hiệu (dù có thể nhìn thấy được) mà chứa các dấu hiệu sau thì không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

THỨ HAI, có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.

Nhãn hiệu phải dễ dàng nhận biết và có khả năng phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa dịch vụ của chủ thể khác thì mới có thể được bảo hộ. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết và không thuộc các trường hợp thuộc khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.

Nói ngắn gọn, có 02 yêu cầu mà nhãn hiệu cần phải đáp ứng để được đánh giá là có khả năng phân biệt:

  • Có khả năng tự phân biệt;
  • Không trùng hoặc tương tự hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng kí cho cùng loại hàng hóa hoặc dịch vụ.

Các yếu tố sau đây của nhãn hiệu cần tránh vì không có khả năng phân biệt, không có khả năng được bảo hộ: (căn cứ khoản 2 Điều 74 Luật SHTT)

–    Hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng. Lưu ý, hình vẽ quá rắc rối, phức tạp hoặc chữ số, chữ cái đứng riêng lẻ, thuộc ngôn ngữ không thông dụng thì cũng không khiến người xem ghi nhớ được, vẫn được xem là không có khả năng bảo hộ;

–    Dấu hiệu, biểu tượng, quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;

–    Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ;

–    Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;

–    Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;

–    Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

–    Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;

–    Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá 05 năm;

–    Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;

–    Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

–    Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá;

–    Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;

–    Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.

LƯU Ý: Những NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG sẽ không phải đăng ký bảo hộ mà sẽ được Tự Động Bảo Hộ nếu nhãn hiệu đáp ứng đủ các tiêu chí để được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), cụ thể:

+ Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

+ Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

+ Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

+ Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

+ Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

+ Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

+ Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

+ Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

? Xem tiếp bài viết tại: ĐIỀU KIỆN VÀ QUY TRÌNH ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU (PHẦN II)

 

Liên hệ ngay tới Văn phòng Luật sư Phúc Cầu để được cung cấp các dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đa dạng. Tự hào là một trong những Công ty có nhiều kinh nghiệm làm trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý chuyên nghiệp, Luật Phúc Cầu tự tin rằng sẽ mang đến cho Quý Khách hàng và Quý Công ty sự hài lòng nhất. Chúng tôi cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý một cách chuyên nghiệp tại Đà Nẵng và Gia Lai với mức phí tối ưu, tiết kiệm nhất trong lĩnh vực này.

Sự tin tưởng của Khách hàng khi lựa chọn sử dụng dịch vụ của Văn phòng Luật sư Phúc Cầu là niềm vinh hạnh của chúng tôi ! 

Mọi Chi tiết vui lòng liên hệ:

Văn phòng Luật sư Phúc Cầu

Địa chỉ trụ sở: 16/6 Trần Phước Thành, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0236 777 3979

Email: pclawfirm@gmail.com

Website: Luatphuccau.com

Fanpage: https://www.facebook.com/pclawfirm.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *