NGUYÊN TẮC KHẤU TRỪ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Trong quá trình thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, các doanh nghiệp tính thuế áp dụng phương pháp khấu trừ cần phải tuân thủ và đảm bảo thực hiện các nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào nào để đảm bảo tính đúng và không bị mắc sai sót. Bài viết dưới đây Luật Phúc Cầu sẽ cùng Quý khách hàng giải đáp như sau:

Cơ sở pháp lý:

– Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013);

Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 91/2014/NĐ-CPNghị định 12/2015/NĐ-CPNghị định 100/2016/NĐ-CPNghị định 10/2017/NĐ-CPNghị định 146/2017/NĐ-CPNghị định 49/2022/NĐ-CP).

1. Thế nào là khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Để hiểu rõ khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trước hết phải hiểu như thế nào là thuế giá trị gia tăng. Căn cứ tại Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng thì thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Vậy khấu trừ thuế GTGT đầu vào được hiểu là các doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, xác định số thuế phải nộp bằng cách bù trừ giữa số thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ bán ra với số thuế GTGT phát sinh khi mua vào hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, không phải tất cả các hóa đơn mua vào trong kỳ của hàng hóa dịch vụ đều được khấu trừ.

Nghĩa vụ thuế GTGT được xác định:

Số thuế GTGT phải nộp trong kỳ = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

  • Số thuế GTGT đầu ra là tổng số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn GTGT trong kỳ;
  • Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào đáp ứng các nguyên tắc và điều kiện được khấu trừ.

2. Các nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Nguyên tắc 1:  Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế được khấu trừ toàn bộ

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.

Các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy. Tuy nhiên, để được khấu trừ thuế GTGT, Cơ sở kinh doanh cần phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp nêu trên.

Nguyên tắc 2: Thuế GTGT đầu vào hàng hóa dịch vụ sản xuất kinh doanh hàng chịu thuế và không chịu thuế

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

  • Đối với đầu vào của hàng hóa dịch vụ dùng để sản xuất, kinh doanh cho cả hàng hóa dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT, đơn vị phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ để sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT. Phần thuế GTGT dùng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ;
  • Trong trường hợp đơn vị không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào dùng cho hàng hóa dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ xác định bởi tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.

Nguyên tắc 3: Thuế GTGT đầu vào tài sản cố định, máy móc, thiết bị

Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị (kể cả thuế GTGT đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản này và thuế hoạt động khác như sửa chữa, bảo dưỡng) không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá tài sản cố định và chi phí được trừ trong các trường hợp sau:

  • Tài sản cố định chuyên dùng phục vụ sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh;
  • Tài sản cố định, máy móc, thiết bị của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh chứng khoán, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo;
  • Tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.

Nguyên tắc 4: Thuế GTGT đầu vào hàng cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế được khấu trừ toàn bộ (kể cả hàng hóa đó có do doanh nghiệp sản xuất được hay không)

Nguyên tắc 5: Khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quyết định của cơ quan hải quan

Khấu trừ toàn bộ đối với số thuế GTGT đã nộp theo quyết định của cơ quan hải quan (trừ trường hợp xử phạt gian lận về trốn thuế).

Nguyên tắc 6: Ngoại lệ khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa dịch vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ không chịu thuế

Các trường hợp hàng hóa dịch vụ mua vào để sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ không chịu thuế nhưng vẫn được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào:

  • Hàng hóa dịch vụ mua vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viên trợ không hoàn lại.
  • Hàng hóa dịch vụ mua vào phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí tính đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên.

Nguyên tắc 7: Kỳ khấu trừ thuế

Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào thì được khấu trừ tại kỳ đó, không phân biệt còn để trong kho hay đã xuất dung.

Trường hợp có sai sót: người nộp thuế được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi có quyết định thanh tra kiểm tra của cơ quan thuế.

Nguyên tắc 8: Xử lý số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ

Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính là chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc vốn hóa vào giá trị tài sản cố định (trừ số thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào từng lần từ 20 triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt).

Nguyên tắc 9: Thuế GTGT đầu vào các đơn vị đặc thù

Đối với các văn phòng tổng công ty, tập đoàn không trực tiếp hoạt động kinh doanh, các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc như bệnh viện, trạm xá, nhà nghỉ điều dưỡng, viện, trường đào tạo…: không được khấu trừ hay hoàn thuế cho số thuế GTGT đầu vào phục vụ hoạt động của các đơn vị này.

Nguyên tắc 10: Thuế GTGT đầu vào hàng hóa dịch vụ dùng cho hoạt động không phải kê khai tính nộp thuế

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ sử dụng cho hoạt động không phải kê khai tính nộp được khấu trừ toàn bộ trừ các trường hợp sau:

  • Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua hàng hóa dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam bao gồm:
  • Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế);
  • Quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
  • Đào tạo;
  • Chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải người nộp thuế GTGT thực hiện bán tài sản.

Nguyên tắc 11: Hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ dưới hình thức ủy quyền

Chi phí sửa chữa tài sản mà hoá đơn GTGT có ghi tên người tham gia bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản;

Chi phí liên quan đến thành lập doanh nghiệp, mua bán hàng hoá vật tư của các cá nhân được doanh nghiệp uỷ quyền trước khi thành lập doanh nghiệp.

Nguyên tắc 12: Khấu trừ thuế GTGT đối với tài sản mang đi góp vốn

Cá nhân tổ chức không kinh doanh góp vốn bằng tài sản vào công ty TNHH, công ty cổ phần (chứng từ góp vốn là biên bản giao nhận tài sản, biên bản chứng nhận góp vốn), nếu là tài sản mới mua chưa sử dụng có hóa đơn hợp pháp được hội đồng giao nhận vốn góp chấp nhận: trị giá vốn góp là giá trên hóa đơn (bao gồm cả thuế GTGT), đồng thời công ty nhận góp vốn được kê khai khấu trừ thuế GTGT trên hóa đơn này.

Nguyên tắc 13: Chuyển phương pháp tính thuế GTGT

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT chuyển sang nộp thuế theo phương pháp khấu trừ: được khấu trừ thuế GTGT tính từ kỳ đầu tiên kê khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ chuyển sang nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT: số thuế GTGT chưa khấu trừ hết được chuyển thành chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ số thuế GTGT được hoàn trong thời gian nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

Nguyên tắc 14: Sai sót không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Các trường hợp sau cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

  • Hóa đơn không đúng quy định pháp luật;
  • Hóa đơn không ghi hoặc ghi sai một trong các chỉ tiêu: tên, mã số thuế, địa chỉ người bán và người mua;
  • Hóa đơn khống, giả, bị tẩy xóa;
  • Hóa đơn ghi sai giá trị thực tế của hàng hoá, dịch vụ mua bán.

Đối với các hóa đơn sai thông tin trên hóa đơn, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục sửa đổi để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào,.

3. Điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào

3.1. Điều kiện về hóa đơn giá trị gia tăng

Khi doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi hóa đơn GTGT là hóa đơn hợp pháp, hợp lệ và hợp lý.

– Hóa đơn hợp pháp:

  • Hóa đơn hợp pháp là hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành hoặc hóa đơn do doanh nghiệp đặt in theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn.
  • Hóa đơn do doanh nghiệp tự in theo mẫu quy định, đã đăng ký và được cơ quan thuế chấp nhận.

– Hóa đơn hợp lệ:

  • Hóa đơn không được tẩy xóa, sửa chữa.
  • Ghi rõ ngày tháng năm lập hóa đơn, tên người mua, địa chỉ người mua và hình thức thanh toán.
  • Ghi rõ hàng hóa dịch vụ, đơn vị tính, tiền hàng, tiền thuế, tổng tiền thanh toán.
  • Phải có chữ ký của Giám đốc. Nếu trường hợp không có chữ ký của giám đốc thì phải có giấy ủy quyền và đóng dấu treo bên trái hóa đơn, người ủy quyền ký.
  • Người mua hàng: phải ký, ghi rõ họ tên.

– Hóa đơn hợp lý:

  • Chi phí có hóa đơn hợp pháp, hợp lệ vẫn chưa đủ mà chi phí đó phải hợp lý nghĩa là chi phí thực tế phát sinh tại doanh nghiệp và phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Các khoản chi phí hợp lý sẽ được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xem thêm: Những lưu ý khi lập hóa đơn áp dụng nghị định số 15/2022/NĐ-CP giảm thuế GTGT.

3.2. Phải có chứng từ xác nhận thanh toán qua ngân hàng

Những hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng thì phải thanh toán qua ngân hàng và có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (Tức là phải chuyển khoản từ tài khoản bên mua sang tài khoản bên bán)

Lưu ý: Tài khoản ngân hàng của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế.

Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn từ trên 20 triệu đồng nếu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ.

Trường hợp khi thanh toán, doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt.

3.3. Những trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

  • Hàng hoá, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra.
  • Hàng hoá, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền;
  • Hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng
  • Hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì cũng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

3.4. Các trường hợp khác cần lưu ý

Nếu mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp mỗi lần có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị trên dưới 20 triệu đồng thì chỉ được khấu trừ thuế đối với những hợp đồng có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế GTGT.

Đối với những hoá đơn có thu phí, lệ phí: Chỉ kê khai phần chịu thuế, còn phần phí, lệ phí không chịu thuế nên loại phần tiền đó ra.

4. Trường hợp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

Căn cứ các nguyên tắc và điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, có thể rút ra các trường hợp không được tính khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào bao gồm:

  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ sản xuất kinh doanh mặt hàng không chịu thuế GTGT;
  • Kê khai thiếu đến thời điểm cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;
  • Không có hoá đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mua vào hoặc không có chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài;
  • Không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, nhập khẩu từ 20 triệu đồng trở lên.

Trên đây là các nguyên tắc về “Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào”. Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nếu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ luatsu@luatphuccau.com hoặc gọi đến Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng/.

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *