DOANH NGHIỆP CHẬM NỘP THUẾ SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Đóng thuế đầy đủ và đúng hạn là một trong những nghĩa vụ quan trọng của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ những quy định đó. Cụ thể, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng chậm nộp thuế vẫn diễn ra phổ biến. Vậy, pháp luật xử lý như thế nào trong trường hợp doanh nghiệp chậm nộp thuế? Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp thông qua bài viết sau đây.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Quản lý thuế năm 2019;
  • Nghị định số 126/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
  • Thông tư số 80/2021/TT-BTC Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

1. Thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật

Chậm nộp thuế được xác định là khi người nộp thuế có nghĩa vụ khai, nộp thuế nhưng thực hiện nghĩa vụ thuế không đúng thời hạn quy định.

Căn cứ Điều 55 Luật Quản lý thuế năm 2019, thời hạn nộp được xác định như sau:

“1. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.

Đối với dầu thô, thời hạn nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp theo lần xuất bán dầu thô là 35 ngày kể từ ngày xuất bán đối với dầu thô bán nội địa hoặc kể từ ngày thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan đối với dầu thô xuất khẩu.

Đối với khí thiên nhiên, thời hạn nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tháng.

2. Trường hợp cơ quan thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

3. Đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước từ đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài thì thời hạn nộp theo quy định của Chính phủ.

4. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế, thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; trường hợp phát sinh số tiền thuế phải nộp sau khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa thì thời hạn nộp thuế phát sinh được thực hiện như sau:

a) Thời hạn nộp thuế khai bổ sung, nộp số tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;

b) Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp; hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”

Theo đó, doanh nghiệp nộp thuế sau khoảng thời gian quy định trên được xác định là chậm nộp thuế và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Những trường hợp phải nộp tiền chậm nộp thuế

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019, các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp thuế bao gồm:

“a) Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;

b) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;

c) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước;

d) Trường hợp được nộp dần tiền thuế nợ quy định tại khoản 5 Điều 124 của Luật này;

đ) Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu quy định tại khoản 3 Điều 137 của Luật này;

e) Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 142 của Luật này;

g) Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm chuyển theo quy định.”

3. Trường hợp được miễn tiền chậm nộp thuế

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Thông tư 80/2021/TT-BTC, Doanh nghiệp chậm nộp thuế được miễn tiền chậm nộp do những yếu tố sau:

Thứ nhất, trường hợp do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Trong trường hợp này, số tiền được miễn là số tiền chậm nộp còn nợ tại thời điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).

Thứ hai, trường hợp bất khả kháng khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2020/NĐ-CP bao gồm: chiến tranh, bạo loạn, đình công phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế mà người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước. Đối với trường hợp này, số tiền được miễn là số tiền chậm nộp còn nợ tại thời điểm xảy ra tình trạng bất khả kháng khác và không vượt quá giá trị vật chất bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm theo quy định (nếu có).

Như vậy, Doanh nghiệp có thể được miễn tiền chậm nộp tiền thuế nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên. Lúc này, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ miễn tiền chậm nộp gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan thuế quản lý thu ngân sách nhà nước. Trình tự, thủ tục, hồ sơ miễn tiền chậm nộp được quy định tại Điều 23 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

4. Mức phạt đối với hành vi chậm nộp thuế

Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp như sau:

“a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.”

Theo đó, mức tiền chậm nộp được xác định trong trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện hết các nghĩa vụ thuế khi quá hạn theo công thức:

Số tiền phạt chậm nộp tiền thuế

=

Số tiền thuế chậm nộp X 0,03% X

Số ngày chậm nộp

Sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thông báo cho doanh nghiệp biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp để doanh nghiệp biết và thực hiện.

5. Hạch toán tiền chậm nộp thuế như thế nào?

Như đã phân tích ở trên, dù thuộc trường hợp được miễn nộp chậm tiền thuế nhưng doanh nghiệp vẫn phải thực hiện kê khai, nộp hồ sơ kịp thời và đúng theo quy định để không bị xử phạt. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp mới thành lập chưa có nhiều kinh nghiệm, đội ngũ nội bộ chưa vững vàng thì việc kê khai, nộp hồ sơ thuế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, với đội ngũ luật sư đã được đào tạo qua khoá học TaxLaw cùng với các chuyên gia kế toán – thuế có kinh nghiệm, Luật Phúc Cầu cung cấp Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kê khai thuế nhằm đáp ứng nhu cầu của Khách hàng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế một cách hiệu quả. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 để được tư vấn và hỗ trợ về việc chậm nộp thuế và cách hạch toán tiền chậm nộp thuế đối với Doanh nghiệp.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *