Hiện nay, tình yêu giữa người đồng giới không bị pháp luật cấm, nhưng để công nhận quan hệ giữa hai người đồng giới ở nước ta vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vậy, ngoại tình với người cùng giới có vi phạm pháp luật hay không? Phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Luật Phúc Cầu sẽ làm rõ vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây:
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) – BLHS;
- Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
1. Ngoại tình theo quy định của pháp luật
Pháp luật hiện hành chỉ công nhận quan hệ một vợ một chồng là hợp pháp, trong đó vợ chồng phải có nghĩa vụ chung thuỷ với nhau. Tuy nhiên, một số người dù đang trong mối quan hệ hôn nhân nhưng vẫn có quan hệ tình cảm hoặc sống chung như vợ chồng với người khác thì đây được xem là một hành vi ngoại tình.
Ngoại tình được hiểu là một người dù đã kết hôn nhưng lại có các mối quan hệ tình cảm yêu đương với người khác, từ cấp độ thấp nhất là có tình cảm giữa hai người với nhau hoặc đến mức cao hơn là họ sống chung như vợ chồng.
Tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”
Như vậy, việc sống chung với một người mà đã có gia đình là hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thuỷ của vợ chồng, xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
2. Ngoại tình bị xử phạt như thế nào?
- Xử phạt hành chính
Căn cứ vào điểm b, khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt khi có hành vi vi phạm về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;”
Như vậy, hình thức xử phạt đối với người ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính lên đến 5 triệu đồng.
- Truy cứu TNHS
Điều 182 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”
Như vậy, ngoại tình là hành vi vi phạm luật hôn nhân gia đình và người có hành vi ngoại tình có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm; nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng như khiến cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát,…
3. Hành vi ngoại tình với người cùng giới có vi phạm pháp luật?
Hiện nay, theo khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”
Và tại khoản 7 Điều 3 Luật này quy định “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”.
Như vậy, pháp luật Việt Nam không cấm việc yêu đương và kết hôn giữa những người cùng giới, nhưng lại không thừa nhận. Do đó, về việc ngoại tình giữa những người đồng giới vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nào. Vậy ngoại tình với người cùng giới tính có vi phạm pháp luật?
Đối với vấn đề này, hiện nay có hai luồng quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Ngoại tình với người cùng giới là vi phạm pháp luật.
Tại Điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định một trong các hành vị bị nghiêm cấm, đó là: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác…”
Và Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác…”
Theo đó, có thể hiểu, “người khác” ở đây không phân biệt nam hay nữ, hay bất kỳ giới tính nào khác. Việc một người đã kết hôn mà có quan hệ tình cảm hay chung sống như vợ chồng với người khác thì đây được xem là hành vi ngoại tình.
Như vậy, việc sống chung với một người mà đã có gia đình sẽ vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ, xâm phạm đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
- Quan điểm thứ hai: Ngoại tình với người cùng giới không vi phạm pháp luật.
Để cấu thành Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo Điều 182 BLHS cần có hai yếu tố, đó là (i) một trong hai người phải là người đã kết hôn và (ii) hai người có quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.
Tuy nhiên, để xem xét điều kiện chung sống như vợ chồng với nhau cần đáp ứng các yếu tố về con chung, sự chứng kiến của hàng xóm và những người xung quanh coi như vợ chồng.
Theo mục 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA- TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn xác định một vài cơ sở để chứng minh có thể là:
“3. Về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS)
3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”
Như vậy, có thể thấy, ngoại tình với người cùng giới chưa đáp ứng đủ hai điều kiện cấu thành Tội vi phạm một vợ một chồng nên không vi phạm pháp luật.
KẾT LUẬN: Cả hai quan điểm nêu trên đều có những lý lẽ và luận điểm rõ ràng, hợp lý nên vẫn chưa thể đưa ra kết luận quan điểm nào đúng, quan điểm nào sai. Về bản chất, ngoại tình đồng giới đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nhưng về mặt chủ thể, Luật chưa điều chỉnh. Do đó, đây là một vấn đề cần được các nhà làm luật quan tâm hơn và làm rõ thông qua các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./