Tình huống: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi như sau:
Tôi đang sinh sống và làm việc tại TP Đà Nẵng. Nay tôi muốn mở một nhà hàng ven đường biển Nguyễn Tất Thành theo hình thức hộ kinh doanh cá thể thì tôi cần những điều kiện gì, thủ tục xin giấy đăng ký kinh doanh và các loại thuế cần phải nộp như thế nào? Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi.
Trả lời: Cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Luật Phúc Cầu, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP Về đăng kí doanh nghiệp;
- Luật An toàn thực phẩm năm 2010;
- Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
- Thông tư số 65/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài.
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống
Theo Điều 28 và Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010 cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh dịch vụ ăn uống cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Thứ nhất, có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có đăng ký ngành nghề kinh doanh doanh thực phẩm.
- Thứ hai, đáp ứng các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định tại Điều 28 như sau :
“Điều 28. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống
1. Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.
2.Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
3. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
4. Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.
5. Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.
6. Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.
7. Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.”
- Thứ ba, được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
2. Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể gồm có:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh ( theo mẫu )
– Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh.
– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh;
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ đối với trường hợp chủ hộ đứng tên địa chỉ hộ kinh doanh.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ theo 2 cách sau:
– Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Tài chính – Kế hoạch/ Phòng Kinh tế của UBND quận/huyện nơi đặt hộ kinh doanh.
– Cách 2: Nộp online qua trang dịch vụ công của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố. Mỗi tỉnh/thành phố sẽ có 1 trang riêng.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và trả kết quả:
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– Trường hợp hồ sơ chưa đạt hoặc cần bổ sung, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện ra thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập Hộ kinh doanh.
3. Trình tự, thủ tục cấp xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh muốn đi vào hoạt động cần phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Căn cứ theo Điều 36 Luật An toàn thực phẩm quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:
- Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Bản thiết kế mặt bằng cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống;
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định;
– Bản cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm do đơn vị sản xuất kinh doanh;
– Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại cơ sở do cơ quan y tế cấp quận/huyện trở lên cấp;
– Giấy xác nhận kiến thức về vệ sinh ATTP của chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại cơ sở;
– Giấy chứng thực về nguồn gốc nguyên liệu và kiểm định nguồn nước sử dụng.
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
Căn cứ theo Điều 35 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau:
“Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý”
Tuỳ vào tình hình và phương hướng quản lý của địa phương mà cơ quan cấp giấy phép đối với Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hộ kinh doanh là khác nhau:
– Theo lĩnh vực mà do Sở Y tế, Sở Công thương hoặc Sở Nông nghiệp tỉnh/thành phố cấp giấy phép
– Phòng y tế Quận Huyện nơi trụ cơ sở đóng trụ sở chính.
- Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của bạn và nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận.
4. Các loại thuế phải nộp khi kinh doanh dịch vụ ăn uống
Hộ, cá thể kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống sẽ đóng thuế, cụ thể sẽ phải đóng ba (03) loại thuế sau: lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, nếu mức doanh thu hàng năm của gia đình, cá nhân kinh doanh trên 100 triệu mới phải đóng thuế, ngược lại thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống, sẽ được miễn thuế.
- Thuế môn bài
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Thông tư số 65/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 302/2016/TT-BTC mức thuế môn bài đối với cá nhân, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống như sau :
Doanh thu bình quân năm | Mức thuế môn bài cả năm |
Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm | 1.000.000 đồng/năm |
Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm | 500.000 đồng/năm |
Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm | 300.000 đồng/năm. |
Lưu ý:
– Nếu hộ gia đình đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
– Nếu đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm.
- Thuế GTGT và thuế TNCN
Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ % thuế tính trên doanh thu.
Công thức tính số thuế GTGT và TNCN cho hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống phải nộp:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu tính thuế GTGT | x | Tỷ lệ % thuế GTGT |
Số thuế TNCN phải nộp | = | Doanh thu tính thuế TNCN | x | Tỷ lệ % thuế TNCN |
Trong đó:
– Tỷ lệ % thuế:
Căn cứ theo danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Dịch vụ ăn uống thuộc danh mục ngành nghề sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu:
- Tỷ lệ % thuế GTGT là 3%;
- Tỷ lệ % thuế TNCN là 1,5%.
– Doanh thu tính thuế
Khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định cụ thể về cách tính thuế TNCN và thuế GTGT theo phương pháp khoán như sau:
Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn. Tức là nếu hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn bán hàng mua của Cơ quan thuế thì:
Doanh thu tính thuế = Doanh thu khoán + Doanh thu trên hóa đơn
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.