Tình huống: Chào luật sư, tôi có câu hỏi cần được tư vấn như sau:
Khi bố tôi mất có để lại một mảnh đất 200 m2 tại thôn A, xã B, huyện C, thành phố Đà Nẵng. Bố mẹ tôi có 4 người con, ông bà nội đều đã mất và bố tôi khi mất thì cũng không để lại di chúc. Nay mẹ tôi tự ý sang tên trên Giấy chứng nhận QSDĐ cho người em gái út nhưng những thành viên còn lại không hề hay biết. Đến khi thấy người em gái út đăng tin bán đất thì tôi và hai người còn lại mới hay biết. Nay tôi tìm đến VPLS để được giải đáp thắc mắc là tôi có quyền khởi kiện, yêu cầu chia tài sản thừa kế không?
Trả lời: Cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Luật Phúc Cầu, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý :
- Bộ Luật dân sự năm 2015 – BLDS
- Luật Đất đai năm 2013
Vì thông tin anh đưa ra không nói rõ mảnh đất là tài sản chung của bố mẹ anh hay là tài sản riêng của bố anh/mẹ anh nên chúng tôi chia thành các trường hợp như sau để giải quyết như sau:
- Trường hợp 1: Mảnh đất là tài sản riêng của mẹ anh:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất:
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
…”
Như vậy, trong trường hợp tài sản thuộc tài sản riêng của mẹ anh thì mẹ anh hoàn toàn có toàn quyền sang tên cho em gái anh mà không cần phải có sự đồng ý của người khác.Theo đó, anh không thể khởi kiện yêu cầu việc chia tài sản.
- Trường hợp 2: Mảnh đất là tài sản riêng của bố anh.
Căn cứ Điều 650 BLDS 2015 quy định về các trường hợp được chia thừa kế theo pháp luật bao gồm:
“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
…
Và theo Điều 651 BLDS 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Đối chiếu với trường hợp của anh, Bố anh mất không để lại di chúc nên tài sản sẽ được chia theo pháp luật và mẹ anh chỉ được nhận một phần di sản (cụ thể: 1/5 tài sản). Do đó, mẹ anh không có quyền chuyển toàn bộ di sản mà bố anh để lại cho em gái anh mà chỉ có thể thực hiện trong phạm vi phần di sản mà mẹ anh được nhận sau khi khai nhận di sản thừa kế. Vậy nên, anh có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và tài sản thừa kế của mình.
- Trường hợp 3: Mảnh đất là tài sản chung của bố mẹ anh.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Toà án tuyên bố đã chết như sau :
“ …
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
…”
Vì là tài sản chung của vợ chồng nên mẹ anh chỉ có ½ quyền đối với tài sản. Theo đó, ½ tài sản của bố anh sẽ được chia thừa kế theo pháp luật khi không có di chúc, cụ thể sẽ được chia đều cho những người thừa kế bao gồm mẹ anh và bốn người con.
Như vậy, dù là tài chung của vợ chồng nhưng mẹ anh tự ý sang tên trên Giấy chứng nhận QSDĐ và em gái út tự ý bán mảnh đất thừa kế mà không hỏi ý kiến của các thành viên trong gia đình là vi phạm về quyền thừa kế. Anh có quyền khởi kiện để bảo về quyền và tài sản thừa kế của mình.
KẾT LUẬN: Từ tình huống nêu trên, có thể kết luận rằng: Trừ trường hợp đây là tài sản riêng của mẹ anh thì dù là tài sản riêng của bố anh hay là tài sản chung của bố mẹ anh thì việc mẹ anh tự ý sang tên trên Giấy chứng nhận QSDĐ cho em gái anh là vi phạm pháp luật về quyền thừa kế. Theo đó, anh có quyền khởi kiện để bảo về quyền và tài sản thừa kế của mình.
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.