AI CÓ QUYỀN TỐ GIÁC TỘI PHẠM?

Người tố giác, báo tin về tội phạm giữ vai trò quan trọng, cung cấp những nguồn thông tin hữu ích và quan trọng trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thắc mắc về việc ai có quyền tố giác tội phạm và lo sợ không biết khi tố giác tội phạm thì bản thân có bị trả thù hay không. Bài viết sau đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của người tố giác để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trong tố tụng hình sự.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 – BLTTHS

1. Tố giác tội phạm là gì?

Tại Điều 144 BLTTHS quy định về tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau: “Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.”

Theo đó, có thể hiểu Tố giác tội phạm là việc tố cáo của công dân khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Tố giác tội phạm được quy định là một trong những cơ sở để xác định có dấu hiệu tội phạm hay không. Điều đó cũng khẳng định rằng, cơ quan có thẩm quyền muốn khởi tố vụ án hình sự, phát động những quan hệ tố tụng hình sự phải bắt đầu từ những tin tức về tội phạm được chính thức thông báo chứ không phải là những lời đồn đại không có căn cứ. Người báo tin về tội phạm không nhất thiết phải là người bị hại hoặc có quan hệ trực tiếp đến tội phạm đã xảy ra.

2. Ai là người có quyền tố giác tội phạm

Điều 144 BLTTHS quy định như sau:

  • Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
  • Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Như vậy, Công dân có quyền và nghĩa vụ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà họ biết với các cơ quan, tổ chức. Luật cho phép công dân có thể tố cáo về tội phạm với bất cứ cơ quan, tổ chức nào mà họ thấy thuận tiện không nhất thiết phải là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Trong tất cả các trường hợp đó, sự tố cáo của công dân về tội phạm đều được coi là tố giác. Tố giác tội phạm có thể bằng miệng có thể trực tiếp hoặc qua thư, điện thoại hoặc bằng văn bản…

Bên cạnh đó, pháp luật cũng đặt ra trách nhiệm của người tố giác đối với nội dung tố giác. Nếu tố giác không đúng sự thật thì có thể bị xử lý, nặng nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Quyền của người tố giác

Theo quy định tại Điều 57 BLTTHS thì người tố giác có quyền cụ thể như sau:

  • Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;
  • Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
  • Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
  • Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
  • Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
  • Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
  • Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

4. Nghĩa vụ của người tố giác

Người tố giác tội phạm có nghĩa vụ như sau:

  • Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm;
  • Trình bày trung thực về tình tiết mà mình biết về sự việc.

Lưu ý: Khoản 5 Điều 144 BLTTHS bổ sung trách nhiệm của việc cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

5. Cơ quan tiếp nhận tố giác tội phạm 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 BLTTHS thì công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác; bất kể là cơ quan, tổ chức nào khi nhận được tố giác tội phạm từ công dân đều có trách nhiệm tiếp nhận.

Với quy định này, pháp luật đã mở rộng phạm vi tố giác tội phạm, tạo điều kiện cho người dân tham gia tố giác tội phạm được thuận tiện và rộng rãi, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức Nhà nước. Theo đó, mọi thông tin về tội phạm đều sẽ được nhanh chóng xử lý và khắc phục.

Cơ quan, tổ chức khi nhận được tố giác của công dân phải có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản, để cơ quan xem xét việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Đối với những vụ án mà luật quy định chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì các cơ quan tiếp nhận thông tin ban đầu cần phải làm các thủ tục như đối với trường hợp khác khi công dân tố giác tội phạm.Cơ quan, tổ chức khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mà phát hiện thấy có dấu hiệu tội phạm cũng phải báo tin ngay cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.

6. Hướng dẫn thực hiện tố giác tội phạm

6.1. Làm đơn tố giác gửi tới Cơ quan điều tra nơi cư trú

Bước 1: Làm hồ sơ tố giác tội phạm, bao gồm:

  • Đơn trình báo công an;
  • CMND/CCCD/Hộ chiếu của bị hại (bản sao công chứng);
  • Sổ hộ khẩu của bị hại (bản sao công chứng).
  • Chứng cứ liên quan để chứng minh (hình ảnh, ghi âm, video,… có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Công dân nộp hồ sơ đến Cơ quan điều tra nơi cư trú.

Theo Điều 145 BLTTHS thì các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

  • Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
  • Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

6.2. Thông tin trình báo qua mạng

Người dân là nạn nhân của lừa đảo qua mạng có thể liên hệ đến những địa chỉ sau để trình báo:

  • Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053 – Cục Cảnh sát hình sự;
  • Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
  • Đối với người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 08.3864.0508 để thông tin, trình báo về chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua mạng.

 

Trên đây là bài viết của Luật Phúc Cầu về vấn đề Ai có quyền tố giác tội phạm”. Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *