Hiện nay, ngoài những trường hợp Hợp đồng được pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng thì các bên cũng có thể yêu cầu công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý và hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà sau khi công chứng, nhiều người không muốn tiếp tục hợp đồng nữa. Câu hỏi đặt ra là Hợp đồng đã được công chứng thì sau đó có thể hủy bỏ hay không? Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý khách hàng giải đáp thông qua bài viết sau.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Công chứng năm 2014;
1. Thế nào là hợp đồng được công chứng?
Tại Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 nêu rõ:
“Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”
Theo đó, Hợp đồng được công chứng là Hợp đồng được công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Điều 5 của luật này, giá trị pháp lý của hợp đồng công chứng được quy định như sau:
- Hợp đồng công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng;
- Hợp đồng được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của Pháp luật (trừ trường hợp có thỏa thuận khác);
- Hợp đồng công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Như vậy, hợp đồng công chứng phát sinh hiệu lực kể từ ngày Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng ký và đóng dấu, các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận như đã cam kết trong hợp đồng. Hợp đồng được công chứng cũng được xem là chứng cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp khi xảy ra tranh chấp liên quan đến đối tượng của hợp đồng.
2. Có thể hủy Hợp đồng đã công chứng hay không?
Theo Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự như sau:
“…
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
…”
Như vậy, pháp luật tôn trọng sự tự do, tự nguyện, thỏa thuận của các bên tham gia vào các quan hệ dân sự.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định về Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch:
“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
…”
Từ những quy định trên, có thể thấy việc hủy bỏ hợp đồng đã công chứng có thể được thực hiện chỉ khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng bằng văn bản của tất cả các bên tham gia trong hợp đồng và những thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội. Sau khi hợp đồng bị hủy, các bên trao trả cho nhau những gì đã nhận ban đầu hoặc có thỏa thuận khác.
Việc hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đó chấm dứt hoạt động, chuyển nhượng, chuyển đổi hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
Cần lưu ý rằng, không phải mọi trường hợp yêu cầu hủy Hợp đồng công chứng đều được công chứng viên chấp thuận. Các trường hợp cụ thể công chứng viên từ chối hủy bỏ hợp đồng công chứng có thể kể đến như:
- Công chứng viên có căn cứ cho rằng có vấn đề chưa rõ ràng, có thể có sự cưỡng ép, hoặc nghi ngờ năng lực hành vi dân sự của chính người yêu cầu công chứng thì công chứng viên yêu cầu họ chứng minh, làm rõ hoặc giám định. Trường hợp người yêu cầu không làm rõ được, công chứng viên có quyền từ chối.
- Dự thảo hợp đồng có nội dung trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật hoặc đối tượng của hợp đồng không phù hợp thì công chứng viên chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng thấy và yêu cầu họ sửa đổi. Nếu sau đó họ không sửa chữa thì có quyền từ chối công chứng.
3. Thủ tục hủy Hợp đồng công chứng
Căn cứ Khoản 3 Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định:
“3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.”
Theo đó, đối với thủ tục huỷ hợp đồng công chứng sẽ được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng. Để có thể huỷ bỏ hợp đồng công chứng cần sự tham gia của tất cả các bên trong hợp đồng và được thực hiện tại tổ chức đã công chứng bản hợp đồng trước đó.
Cụ thể, thủ tục hủy hợp đồng công chứng được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu việc hủy bỏ hợp đồng đã được công chứng tại nơi mà Người yêu cầu công chứng đã công chứng hợp đồng trước đó. Hồ sơ bao gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Bước 2: Người yêu cầu công chứng hoặc công chứng viên đọc lại dự thảo hợp đồng để hai bên cùng nghe;
Bước 3: Người yêu cầu công chứng xác nhận đồng ý nội dung được ghi nhận trong dự thảo hợp đồng sau đó ký ở từng trang của hợp đồng. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo hồ sơ để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng.
Trên đây là bài tư vấn của Luật Phúc Cầu về việc “Có thể hủy hợp đồng đã công chứng hay không?”. Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nếu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc gọi đến Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.