ÁN TREO LÀ GÌ? CÁC TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG ÁN TREO

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp nào thì người bị kết án được hưởng án treo? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý khách hàng hiểu rõ hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến Án treo:

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
  • Luật Thi hành án hình sự năm 2019;
  • Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành;
  • Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

1. Khái niệm

Theo Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, án treo có thể được hiểu như sau:

– Là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện;

– Áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm;

– Được căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Như vậy, có thể thấy, án treo không phải là một hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá 03 năm. Mục đích của việc hưởng án treo nhằm khuyến khích người phạm tội cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo rằng nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù được hưởng án treo của bản án trước đó.

2. Điều kiện hưởng án treo

Căn cứ Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, người bị xử phạt tù có thể được hưởng án treo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

(1) Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

(2) Có nhân thân tốt.

– Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

– Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

(3) Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

(4) Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

(5) Thuộc trường hợp không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù

Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà ngược lại, còn có tác dụng tốt cho việc cải tạo, khuyến khích người phạm tội sửa chữa.

3. Thời gian thử thách án treo

Thời gian thử thách án treo là thời gian mà Tòa án ấn định để thử thách người bị kết án được hưởng án treo, nếu hết thời gian đó mà người bị kết án không phạm tội mới thì hình phạt tù mà Tòa án quyết định đối với người bị kết án sẽ không phải thi hành. Đây là thời gian để người phạm tội thể hiện sự tự giác cải tạo, ý thức chấp hành, đồng thời cũng giúp Toà án xem xét quyết định cho hưởng án treo đối với người phạm tội có đúng đắn, hợp lý hay không.

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 65 BLHS thì Toà án ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Theo Điều 5 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (điều này được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP) thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo được xác định như sau:

1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

4. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

5. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.

6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

8. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

9. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần sau.

Theo đó, có thể thấy thời gian thử thách án treo thường được tính từ ngày tuyên án.

4. Các trường hợp không được hưởng án treo

Để tránh bỏ lọt tội phạm, pháp luật cũng quy định chặt chẽ hơn về các trường hợp không được hưởng án treo:

  • Người phạm tội là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
  • Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
  • Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
  • Người phạm tội bị xét xử cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau:

+ Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;

+ Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể.

  • Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau:

+ Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;

+ Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;

+ Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;

+ Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú.

  • Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm

5. Người bị phạt án treo có được đi làm không?

Theo Điều 88 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về Việc lao động, học tập của người được hưởng án treo như sau:

“1. Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.

2. Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.

3. Người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.

4. Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Bên cạnh đó, tại Điều 41 BLHS quy định:

“Điều 41. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.”

Như vậy, người được hưởng án treo vẫn có thể được đi làm, TRỪ trường hợp bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định nếu việc đảm nhận chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó có thể gây nguy hại cho xã hội.

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nếu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc gọi đến Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo Chat Messenger Hotline 0236 777 3979