TRỒNG CẦN SA BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Khi nhắc tới cần sa, mọi người sẽ nghĩ ngay đến một loại thuốc phiện bất hợp pháp. Nhiều người tìm đến loại cây này không chỉ để sử dụng mà còn bất chấp quy định pháp luật để trồng vì nó mang lại lợi nhuận rất cao. Vậy, trồng cây cần sa sẽ bị xử lý như thế nào? Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp qua bài viết sau đây.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Phòng, chống ma túy 2021;
  • Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) – BLHS;
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội.

1. Cần sa là gì?

Cần sa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Hiện nay trong giới trẻ sử dụng các tên khác nhau cho cùng một loại cần sa xuất phát từ cây Cannabis Sativa như “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin” được sử dụng dưới dạng hút, hít, uống hoặc ăn nhằm mục đích thỏa mãn cá nhân và giải trí. Trong cần sa có các hợp chất làm thay đổi tâm trí ảnh hưởng đến cả não và cơ thể do đó gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.

Thành phần chính, hoạt chất trong cần sa là Delta-9-tetrahydrocannabinol (viết tắt là THC) được tìm thấy trong lá và hoa của cây cần sa. Chất này kích thích não giải phóng một chất được gọi là dopamine, mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm và tình dục.

2. Trồng cây cần sa có vi phạm pháp luật không?

Tại Điều 5 Luật phòng, chống ma túy 2021 quy định nghiêm cấm hành vi trồng cây có chứa chất ma túy như cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa,…hoặc hành vi hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.

Như vậy, việc trồng cây cần sa là hành vi vi phạm pháp luật và dù sử dụng nó với bất kỳ biện pháp hoặc mục đích nào thì cũng đều bị pháp luật nghiêm cấm. Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, số lượng cây thuốc phiện, cây cần sa mà việc trồng cây thuốc phiện, cần sa sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.1. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy”.

Đồng thời, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu cây thuốc phiện, cây cần sa,… và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi.

Lưu ý: Nếu người nước ngoài vi phạm còn có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Như vậy, nếu có hành vi trồng cây thuốc phiện, cần sa thì cá nhân có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Tại Điều 247 BLHS quy định mức xử phạt đối với hành vi trồng cây thuốc phiện như sau:

Người nào trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

Bên cạnh đó, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 03 đến 07 năm:

  • Có tổ chức;
  • Với số lượng 3.000 cây trở lên;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Lưu ý: Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp trên, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc liên hệ 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng /./

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo Chat Messenger Hotline 0236 777 3979