HÀNH VI QUẤY RỐI TÌNH DỤC NƠI CÔNG SỞ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Tình trạng quấy rối tình dục đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. Hành vi này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và thường xuất hiện trong môi trường công sở. Vậy hành vi quấy rối tình dục nơi công sở sẽ xử lý như thế nào? Mời quý khách hàng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu.

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ Luật Lao động năm 2019;
  • Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017);
  • Nghị định 12/2022/NĐ/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;

1. Hành vi như thế nào được xem là quấy rối tình dục nơi làm việc?

Theo Khoản 3 Điều 9 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định về khái niệm quấy rối tình dục nơi làm việc như sau:

 “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”

Và căn cứ Khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

  • Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
  • Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
  • Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

2. Xử lý như thế nào đối với hành vi quấy rối tình dục nơi công sở?

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà người thực hiện có thể bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

  • Xử lý kỷ luật:

Căn cứ Điều 118 BLLĐ 2019 quy định thì người sử dụng lao động buộc phải quy định các nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trình tự, thủ tục xử lý các hành vi này vào nội quy lao động.

Trong đó, tại khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ phải quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc cùng hình thức xử lý kỷ luật đối với người thực hiện hành vi đó.

Như vậy, nếu có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đối với người khác, người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hình thức xử lý đã được quy định trong nội quy lao động.

Người lao động có thể phải đối mặt với hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất là sa thải được quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể:

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động”

Lưu ý: Trường hợp người thực hiện hành vi quấy rối tình dục chính là người sử dụng lao động thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước theo Điểm d Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động

  • Xử phạt hành chính:

Căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt như sau:

“…

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

…”

Như vậy, hành vị quấy rối tình dục nơi làm việc chưa đến mức truy cứu TNHS sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.

  • Truy cứu trách nhiệm hình sự

Hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể.Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể truy cứu về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, hành vi quấy rối mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác và mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm tù.

3. Cần làm gì khi bị quấy rối?

Thứ nhất: Người bị quấy rối cần bình tĩnh để xử lý tình huống và nhận biết đâu là hành vi quấy rối tình dục.

Thứ hai: Thu thập bằng chứng, chứng cứ.

Thứ ba: Mạnh dạn lên tiếng với người có thẩm quyền để xử lý với hành vi này có thể là cấp trên ở nơi làm việc hoặc tố giác với cơ quan điều tra (kèm theo bằng chứng).

 

Trên đây là bài viết của Luật Phúc Cầu về hành vi quấy rối tình dục nơi công sở sẽ xử lý như thế nào? Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng/./

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *