Trong cuộc sống thường nhật, người tiêu dùng không khó để bắt gặp những ký hiệu R, TM, C trên các sản phẩm, báo chí, hay TV,… Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rõ ký hiệu trên các sản phẩm này có mục đích gì? Chúng có ý nghĩa như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ trình bày cho Quý khách hàng về vấn đề này.
- Cơ sở pháp lý:
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019);
– Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
– Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
1. Ký hiệu R (®), TM (™) C (©) là gì ?
Ký hiệu R (®), TM (™) C (©) là ký hiệu được sử dụng trên logo của các sản phẩm và nó có tính liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ của các sản phẩm đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam, pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành chưa quy định những trường hợp nào được sử dụng ký tự này. Thế nhưng nước ta vẫn áp dụng các thông lệ quốc tế về lý giải ghi chú tình trạng pháp lý của đối tượng. Cụ thể như sau:
- Ký hiệu R (®) – Registered
Ký hiệu này có hàm nghĩa rằng sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ với các cơ quan nhà nước. Do đó, khi sản phẩm có ký hiệu chữ (®) nghĩa là đã được pháp luật bảo hộ. Nếu chưa được bảo hộ nhưng dùng ký hiệu này là bất hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ, sản phẩm muốn được bảo hộ phải đáp ứng được các điều kiện chungnhư: (i) Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; (2) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Quá trình đăng ký có thể kéo dài trong 12 tháng và có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp hồ sơ. Sau khi hết hạn, cá nhân hay tổ chức sở hữu sản phẩm phải có trách nhiệm gia hạn với mỗi lần gia hạn có thời hạn 10 năm và không giới hạn số lần gia hạn.
- Ký hiệu TM (™) – Trademark
Ký hiệu này thường đi kèm thương hiệu của logo dịch vụ, dùng để phân biệt các sản phẩm dịch vụ của công ty mình với những công ty khác. Các chủ sở hữu dù chưa đăng ký quyền bảo hộ đối với sản phẩm thì vẫn được phép sử dụng biểu tượng ™ để khẳng định quyền của mình với nhãn hiệu đó và cảnh báo đối với những đối tượng muốn dùng nhãn hiệu của mình một cách bừa bãi. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các sản phẩm có ký hiệu ™ vẫn chưa được đăng ký bảo hộ. Do đó, khi xảy ra các tranh chấp, các sản phẩm này sẽ không được bảo vệ quyền lợi bởi các cơ quan nhà nước.
- Ký hiệu C (©) – Copyrighted
Ký hiệu này mang ý nghĩa bản quyền, là tập hợp tất cả các quyền lợi cho việc sử dụng và quyền sở hữu đối với một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó. Tất cả các sản phẩm được in ký hiệu © đều đã được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Vì vậy, nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó nếu chưa được sự đồng ý của người sở hữu. Khác với Trademark và Registered chỉ sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh, Copyrighted áp dụng cho tất cả những nơi có sự xuất hiện của sáng tạo, của tác giả, của người tạo ra tác phẩm/ ý tưởng/ thông tin…
Đối tượng được bảo vệ của quyền tác giả được ghi nhận cụ thể tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định như sau:
“a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.”
2. Cách nhận diện từng ký hiệu trên sản phẩm
– Những ký tự R (®), TM (™) C (©) trên sản phẩm thường được in ngay gần logo để khách hàng, người tiêu dùng có thể nhìn thấy dễ dàng.
– (®), TM (™) thường xuất hiện với nhãn hiệu.
– C (©) thường xuất hiện với các tác phẩm thuộc quyền tác giả như: phim ảnh, báo chí, âm nhạc
3. Xử lý đối với việc sử dụng sai các ký hiệu R (®), TM (™) C (©)
Mặc dù, pháp luật Việt Nam không có quy định rõ: về khái niệm các ký hiệu R ®, TM (™) và C © này nhưng lại có quy định về việc sử dụng không đúng cách sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, theo Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, quy định về vi phạm chỉ dẫn bảo hộ quyền SHCN như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
b) Chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
…
b) Buộc cải chính công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này”.
Trong đó, quy định rõ về chỉ dẫn sai được quy định tại Điều 7 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN:
“1. Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được hiểu là việc sử dụng thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó tuy đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ, ví dụ:
a) In trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ như: “nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu đã được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ ® (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu);
b) In trên sản phẩm, hàng hóa, bao bì sản phẩm, hàng hóa chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp như: “sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp”, “sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ độc quyền sáng chế”, “sản phẩm được sản xuất từ quy trình được bảo hộ sáng chế của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ “P” hoặc “Patent” cùng các chữ số (chỉ dẫn về việc sản phẩm được cấp Patent – Bằng độc quyền sáng chế).
2. Hành vi chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CPđược hiểu là:
a) Hành vi chỉ dẫn sai là hành vi ghi trên hàng hóa hàng chữ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự như vậy, bất kể bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, nhưng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
b) Hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa chỉ dẫn về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.”
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.