HỢP ĐỒNG TIỀN HÔN NHÂN CÓ HỢP PHÁP KHÔNG?

Ly hôn luôn là vấn đề nhạy cảm và có thể phát sinh bất cứ lúc nào trong đời sống vợ chồng. Nhiều vụ việc do không thống nhất được cách thức phân chia tài sản mà dẫn đến những tranh chấp, cãi vã sau này. Điển hình là vụ phân chia sau ly hôn gây náo động dư luận giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Vụ việc này không chỉ tốn nhiều tiền bạc, thời gian, công sức mà còn ảnh hưởng tới cổ đông, đối tác của Tập đoàn Trung Nguyên. Do đó, đã từ lâu, tại nhiều quốc gia, hợp đồng tiền hôn nhân thường được các tỷ phú, người nổi tiếng hay giới nhà giàu sử dụng nhằm bảo vệ tài sản trước những biến cố không lường trước khi ly hôn. Quy định của hợp đồng này khá rộng và đa dạng, nhưng thường tập trung vào hai vấn đề chính là minh bạch về tài chính trước, trong và sau hôn nhân. Vậy pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề này như thế nào? Hợp đồng này có hợp pháp không? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp thêm thông tin cho Quý khách hàng về vấn đề này. 

Cơ sở pháp lý: 

  • Bộ luật Dân sự năm 2015 – BLDS;
  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 – Luật HN&GĐ;

1. Hợp đồng tiền hôn nhân là gì?

Hợp đồng tiền hôn nhân tương đối phổ biến ở các quốc gia như Anh, Mỹ, Úc,… Nhưng tại Việt Nam, pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể nào về thuật ngữ ‘hợp đồng tiền hôn nhân’

Trong khi đó, từ điển Cambridge định nghĩa: hợp đồng tiền hôn nhân là một loại hợp đồng do hai người lập ra trước khi tiến tới hôn nhân. Hợp đồng này có thể nêu rõ trách nhiệm và quyền tài sản của mỗi bên trong suốt thời gian hôn nhân. Thông thường, các thỏa thuận tiền hôn nhân phác thảo các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc phân chia tài sản và trách nhiệm tài chính nếu ly hôn.

Như vậy, từ các quy định của các nước trên thế giới, Hợp đồng tiền hôn nhân có thể hiểu là một loại hợp đồng mà chủ thể là các cặp đôi trước khi kết hôn thực hiện, nhằm thỏa thuận về các vấn đề pháp lý như phân định tài sản chung, tài sản riêng hoặc liên quan đến việc xác định quyền nuôi con và phân chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn.

2. Hợp đồng tiền hôn nhân có hợp pháp tại Việt Nam không?

Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” và Điều 3 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 (Luật HNGĐ) xác định “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”

Dù chưa có khái niệm cụ thể về hợp đồng tiền hôn nhân nhưng tại khoản 1 Điều 47 Luật HN&GĐ đã có sự công nhận chế độ thỏa thuận tài sản của vợ chồng:

“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

Do đó, dựa vào quy định trên có thể thấy rằng, dù không định nghĩa về hợp đồng tiền hôn nhân nhưng pháp luật vẫn cho phép các bên tự do thỏa thuận với nhau về chế độ tài sản, miễn không vi phạm quy định của pháp luật. Về bản chất, Hợp đồng tiền hôn nhân chỉ là cách gọi thông thường, mang tính chất quy ước của văn bản thỏa thuận về tài sản.

Chính vì vậy, việc xác lập hợp đồng hôn nhân với nội dung bao gồm những thỏa thuận về chế độ tài sản trước hôn nhân là hợp pháp.

Thực tiễn cũng cho thấy, hiện nay Thỏa Thuận Xác Lập Chế Độ Tài Sản của vợ chồng tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau như: hợp đồng tiền hôn nhân; hôn ước hay thỏa thuận trước hôn nhân.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành tại Việt Nam hiện chỉ cho phép thoả thuận những vấn đề về tài sản. Còn những vấn đề về con chung và nghĩa vụ trong cuộc sống hôn nhân thì pháp luật vẫn chưa cho phép thoả thuận bằng hợp đồng này.

3. Những quy định về Nội dung của hợp đồng tiền hôn nhân:

  • Điều kiện có hiệu lực

Hợp đồng tiền hôn nhân là dạng hợp đồng được điều chỉnh bởi cả Bộ luật dân sự và Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, hợp đồng này phải đáp ứng các điều kiện như sau:

– Chủ thể giao kết hợp đồng có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập.

– Chủ thể giao kết hợp đồng phải dựa trên ý chí tự nguyện.

– Mục đích và nội dung của hợp đồng tiền hôn nhân không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

– Nội dung hợp đồng tiền hôn nhân phải phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS 2015; các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Điều 117, Điều 118,  Điều 119 BLDS 2015; không vi phạm quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32 Luật HNGĐ và pháp luật có liên quan.

– Hình thức của hợp đồng tiền hôn nhân là văn bản và hợp đồng này phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của vợ chồng.

  • Chủ thể

Ở các quốc gia đã công nhận hôn nhân đồng giới hợp pháp, chủ thể của hợp đồng này có thể là nam, nữ hoặc người đồng tính. Tuy nhiên tại Việt Nam, pháp luật nước ta không thừa nhận hôn nhân đồng giới nên chủ thể giao kết hợp đồng chỉ có thể là nam và nữ.

Ngoài ra, các chủ thể phải thoả mãn về điều kiện kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật HNGĐ, bao gồm:

+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định …

  • Nội dung

Về mặt nội dung, tùy theo quy định pháp luật của từng quốc gia, các cặp đôi có thể thỏa thuận hoặc không được phép thỏa thuận những vấn đề khác nhau. Song, hợp đồng tiền hôn nhân thường sẽ bao gồm các nội dung chính sau đây:

+  Xác định tài sản chung và riêng của vợ chồng tạo lập trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân.

+ Trách nhiệm của vợ chồng trong việc chia sẻ tài chính, chăm sóc con cái và cuộc sống hằng ngày hoặc đối với gia đình của đối phương.

+ Trách nhiệm đối với các khoản nợ cá nhân.

+ Trách nhiệm đối với con riêng của vợ hoặc chồng (nếu có).

+ Nguyên tắc phân chia tài sản giữa vợ chồng khi ly hôn.

+ Trách nhiệm nuôi dưỡng và trợ cấp cho con cái sau khi ly hôn.

  • Hiệu lực

Hợp đồng tiền hôn nhân được coi là có hiệu lực khi thuộc vào một trong các trường hợp sau đây:

– Hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng đó được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép.

– Ngoài ra, hợp đồng còn có thể có hiệu lực sau các thời điểm nói trên nếu các bên thỏa thuận, thống nhất với nhau về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định.

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo Chat Messenger Hotline 0236 777 3979