Với sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ cũng như chưa có phương hướng phát triển rõ ràng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh không thực sự hiệu quả dẫn đến khó đứng vững trên thị trường. Một số chủ sở hữu sẽ có xu hướng cho thuê lại doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện việc cho thuê này. Qua bài viết dưới đây, Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp cho Quý khách hàng một số quy định của pháp luật về quyền cho thuê doanh nghiệp của chủ sở hữu.
? Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Luật doanh nghiệp năm 2020.
1. Khái quát về Chủ sở hữu
Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể hay giải thích khái niệm thế nào là “chủ sở hữu”. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định tại Chương XI, Bộ luật dân sự 2015, có thể hiểu rằng chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với một hoặc một khối tài sản được pháp luật thừa nhận.
Theo đó, căn cứ Điều 186, Điều 189, Điều 192 Bộ luật dân sự 2015, chủ sở hữu có các quyền đối với tài sản của mình như sau:
+ Quyền chiếm hữu: Chủ sở hữu chính là người được toàn quyền chiếm hữu tài sản, nắm giữ và chi phối tài sản một cách trực tiếp mà không phải dựa vào ý chí của các chủ thể khác. Tuy nhiên, cần lưu ý là mặc dù chủ sở hữu là chủ thể có toàn quyền chiếm hữu tài sản của mình nhưng việc chiếm hữu đó không được trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội.
+ Quyền sử dụng: Chủ sở hữu có quyền khai thác công dụng của tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của mình. Quyền sử dụng tài sản có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng tài sản này không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc hay lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
+ Quyền định đoạt: Chủ sở hữu có các quyền như bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, cho thuê hoặc để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Quyền cho thuê doanh nghiệp của chủ sở hữu:
2.1 Cho thuê doanh nghiệp là gì?
Cho thuê doanh nghiệp là việc cho thuê tài sản của chủ sở hữu, có thể được hiểu là việc chuyển giao quyền chiếm hữu và sử dụng toàn bộ doanh nghiệp cho người khác.
Bản chất việc cho thuê doanh nghiệp cũng tương tự như việc cho thuê tài sản được quy định cụ thể tại Điều 472 Bộ luật dân sự 2015: “Là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê”. Việc cho thuê doanh nghiệp có thể bao gồm là cho thuê toàn bộ tài sản của doanh nghiệp (tài sản hữu hình và vô hình như trang thiết bị, cơ sở vật chất, lao động, vốn, kể cả những vấn đề liên quan đến thương hiệu của doanh nghiệp…) trong một thời hạn nhất định theo Hợp đồng để thu một khoản tiền nhất định gọi là tiền thuê.
2.2 Quyền cho thuê Doanh nghiệp tư nhân của Chủ sở hữu.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp được định nghĩa là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Hiện nay ở Việt Nam có 5 loại hình doanh nghiệp bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH 1 TV)
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (TNHH 2 TV)
- Công ty hợp danh
- Công ty cổ phần
- Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)
Có thể thấy rằng, trong các loại hình doanh nghiệp đã nêu ở trên, mô hình Doanh Nghiệp Tư Nhân là mô hình đặc biệt hơn so với các mô hình doanh nghiệp còn lại, bởi lẽ theo khoản 1 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 thì chỉ có duy nhất doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, do chỉ có một chủ đầu tư duy nhất, Chủ Doanh Nghiệp Tư Nhân có TOÀN QUYỀN quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến quan hệ sở hữu giữa Chủ Sở Hữu đối với Doanh Nghiệp Tư Nhân của mình cũng đặc biệt hơn so với các quan hệ sở hữu của các loại hình doanh nghiệp khác.
Cụ thể, đối với các loại hình doanh nghiệp như Công Ty TNHH, Công Ty Hợp Danh hay Công Ty Cổ Phần, Chủ Sở Hữu chỉ có quan hệ sở hữu đối với phần vốn góp hoặc cam kết góp, số cổ phần sở hữu trong công ty. Quyền sở hữu của họ chỉ bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trong phạm vi vốn đã góp vào công ty (trừ trường hợp bị hạn chế theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ công ty) chứ KHÔNG sở hữu chính công ty mà họ tham gia góp vốn. Trong khi đó, với việc toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến doanh nghiệp do mình làm chủ, có thể khẳng định Chủ Sở Hữu Doanh Nghiệp Tư Nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với chính doanh nghiệp của mình.
Vì vậy, từ những quy định đã nêu đồng thời căn cứ Điều 105 và các quy định tại Chương XI Bộ luật dân sự 2015, có cơ sở để khẳng định doanh nghiệp tư nhân là một loại tài sản của chủ doanh nghiệp. Do đó, Chủ Sở Hữu Doanh Nghiệp Tư Nhân có quyền cho thuê doanh nghiệp của mình. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 191, Luật doanh nghiệp 2020 :
“Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực.
Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được quy định trong hợp đồng cho thuê.”
Như vậy, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện luật định: về hình thức, thời hạn, tính chịu trách nhiệm. Cần lưu ý rằng, Doanh nghiệp tư nhân với bản chất pháp lý vẫn là một doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; chính vì vậy, trong mối quan hệ cho thuê tài sản (đối tượng là DNTN) nó cũng sẽ có những đặc điểm riêng, mang tính đặc thù so với quan hệ cho thuê tài sản thông thường (máy móc, xe cộ…).
Cụ thể, theo quy định tại Điều 485 Bộ luật dân sự 2015, nếu như trong mối quan hệ cho thuê tài sản, bên thuê phải chịu trách nhiệm với những rủi ro trong quá trình sử dụng tài sản thuê (trừ những trường hợp rủi ro, thiệt hại đối với tài sản thuê mà do lỗi của bên cho thuê) thì Luật doanh nghiệp 2020 lại quy định trong thời gian cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.
⏯️ Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tuy Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Chủ Sở Hữu Và Người Thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được quy định trong Hợp Đồng Cho Thuê, nhưng nếu trong quá trình Bên Thuê vận hành công ty mà có phát sinh các khoản nợ, rủi ro và nghĩa vụ tài sản thì Chủ Doanh Nghiệp Tư Nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình.
2.3 Rủi ro của các loại hình doanh nghiệp khác khi cho thuê doanh nghiệp:
Như đã giải thích ở trên, khác với Doanh nghiệp tư nhân, 4 loại hình doanh nghiệp còn lại (bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh) không đáp ứng điều kiện về quan hệ sở hữu, về tư cách của chủ sở hữu đối với tài sản để có thể cho thuê. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng không quy định về quyền cho thuê đối với các công ty này.
+ Quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp trong 4 loại hình này chỉ là hữu hạn – chỉ bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với phần tài sản đã góp vào công ty chứ họ KHÔNG sở hữu chính công ty mà họ tham gia góp vốn, để có thể toàn quyền cho một bên khác thuê lại.
+ Đặc biệt, đối với công ty TNHH 1 TV mà chủ sở hữu là cá nhân, đây là loại hình có cơ cấu gần giống với Doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, cũng không thể đồng nhất quyền cho thuê của công ty TNHH 1 TV như DNTN vì xét về bản chất, khả năng chịu trách nhiệm, quyền sở hữu của Chủ Doanh nghiệp trong hai loại hình này là hoàn toàn khác nhau (DNTN – trách nhiệm vô hạn, bằng toàn bộ tài sản, TNHH 1 TV – trách nhiệm hữu hạn). Nếu Chủ Sở Hữu cho thuê công ty TNHH 1 TV mà trong quá trình vận hành công ty Bên Thuê gây ra nợ lớn, nghĩa vụ tài sản không thể tự giải quyết, Bên Cho Thuê lúc này cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn mình đã góp vào công ty lúc đầu; thì điều này sẽ gây ra rủi ro rất lớn cho các bên liên quan và khó khăn cho Cơ quan nhà nước để giải quyết dứt điểm quyền, nghĩa vụ của các bên.
- Từ đó, cũng vì còn nhiều vướng mắc, rủi ro như trên mà nhìn chung, Luật Doanh nghiệp hiện nay không quy định, không trao quyền cho thuê Doanh nghiệp đối với 4 loại hình công ty trên. Trường hợp xảy ra tranh chấp, các cơ quan có thẩm quyền sẽ không có đủ cơ sở pháp lý để có thể xem xét, giải quyết, dẫn đến hợp đồng cho thuê có thể bị vô hiệu. Hay nói cách khác, tuy pháp luật hiện hành không cấm, không quy định nhưng xét về mặt bản chất, về lý luận; việc cho thuê này là không thể thực hiện, bao hàm rất nhiều rủi ro.
Do vậy, Quý khách hàng lưu ý điều này để cân nhắc trong việc cho thuê doanh nghiệp của mình và phòng tránh rủi ro trong quá trình quản lý, điều hành công ty.
? TÓM LẠI, Qua phần lập luận ở trên cùng các quy định tại Điều 191 Luật doanh nghiệp 2020, có thể thấy rằng pháp luật hiện hành đã quy định về quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc cho thuê này chỉ được quy định đối với mô hình doanh nghiệp tư nhân. Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt và giải quyết tranh chấp về quyền và nghĩa vụ đối với hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với một hợp đồng cho thuê tài sản trong quan hệ dân sự.
Trên đây là những vấn đề về Quyền cho thuê Doanh nghiệp của Chủ sở hữu. Trường hợp cần tư vấn thêm về quyền cho thuê doanh nghiệp, thủ tục tiến hành cho thuê hay lập hợp đồng thuê, Quý khách hàng có thể phản ánh tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc gọi đến Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.