Chiều 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp bắt tạm giam với ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC để điều tra về Tội thao túng thị trường chứng khoán. Thông tin này đã khiến dư luận rúng động, thị trường chứng khoán chao đảo, các nhà đầu tư liên tục bán tháo FLC và hàng chục mã cổ phiếu khác.
Có thể nói, việc mở rộng thị trường tài chính nói chung hay thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng hiện nay làm đa dạng hóa các hình thức giao dịch giữa người mua và người bán để đạt được lợi nhuận tối đa, nhưng đồng thời cũng dẫn đến nảy sinh nhiều hình thức thao túng thị trường. Các đối tượng có khả năng thao túng hoạt động giao dịch trên TTCK và tạo ra cung – cầu giả khuyến khích nhà đầu tư mua cổ phiếu. Điều này đã làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư và là một trở ngại cho mục tiêu phát triển chiều sâu thị trường. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều đại gia đã phải trả giá cho hành vi bẩt hợp pháp của mình.
Vậy pháp luật hình sự hiện nay quy định như thế nào về Tội thao túng thị trường chứng khoán? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu.
1. Khái niệm về Thao túng thị trường chứng khoán:
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:
(1) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
(2) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
(3) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
(4) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
(5) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
(6) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
2. Khung pháp lý chung về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán tại Việt Nam
Giao dịch phát sinh trên TTCK là quan hệ gián tiếp thông qua chủ thể trung gian – công chúng đầu tư nên các hành vi vi phạm như Thao túng thị trường chứng khoán sẽ xâm hại đến quyền và lợi ích của công chúng đầu tư, chứ không phải trực tiếp đến một đối tượng đầu tư. Từ đó, làm phát sinh nhiều rủi ro, khiến toàn bộ thị trường chứng khoán thiếu minh bạch, bình đẳng và không đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững.Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, pháp luật nước ta đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt để xử lý các hành vi thao túng TTCK.
Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 khẳng định hành vi thao túng thị trường chứng khoán là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể, nghiêm cấm:
“3. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.”
Tùy từng trường hợp mà người có hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị truy cứu trách nhiệm Hình sự (phạt tù lên đến 7 năm đối với cá nhân, phạt tiền lên đến 10 tỷ đồng đối với pháp nhân thương mại phạm tội – Điều 211 của Bộ luật Hình sự năm 2015) hoặc truy cứu trách nhiệm Hành chính (phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân – Điều 36 Nghị định 156/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 30 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, phạt tù, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định liên quan đến chứng khoán.
3. Thế nào là Tội thao túng thị trường chứng khoán theo Bộ luật hình sự 2015?
Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) hiện nay quy định 3 nhóm hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động chứng khoán.
- Nhóm 1 bao gồm các hành vi tác động đến thị trường chứng khoán thông qua sử dụng thông tin trên thị trường chứng khoán như: lợi dụng việc có được thông tin nội bộ hoặc đưa ra các thông tin không có thật hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
- Nhóm 2 bao gồm hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán nhằm thu lợi bất chính.
- Nhóm 3 bao gồm các hành vi cụ thể để thao túng thị trường chứng khoán để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Tội thao túng thị trường chứng khoán chính là hành vi thuộc nhóm thứ 3, được quy định tại Điều 211 BLHS 2015. Từ quy định của pháp luật hình sự, ta có thể rút ra được cấu thành của loại tội phạm này như sau:
Khách thể: Tội thao túng thị trường chứng khoán xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ngoài ra tội phạm này còn xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức niêm yết và người đầu tư chứng khoán.
Đối tượng tác động của tội phạm này là thị trường chứng khoán. Theo quy định tại Khoản 27 Điều 4 Luật chứng khoán năm 2019, Thị trường giao dịch chứng khoán là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán.
Chủ thể: là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại tham gia thị trường chứng khoán.
Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Động cơ và mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội thao túng thị trường chứng khoán. Thông thường người phạm tội này đều vì vụ lợi.
Mặt khách quan: là hành vi thao túng thị trường chứng khoán để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
- Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.”
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của loại tội này. Đây là tội phạm có cấu thành vật chất. Người thực hiện các hành vi khách quan trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hậu quả xảy ra: (i) người phạm tội thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc (ii) gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên. Trường hợp hậu quả xảy ra chưa đạt mức nghiêm trọng theo luật định, người thực hiện hành vi phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi khách quan vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Áp dụng thực tiễn qua vụ án của Tỷ phú Trịnh Văn Quyết:
Từ đầu tháng 12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc “thổi giá” cổ phiếu FLC. Những cá nhân này thông đồng với nhau bằng việc liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá cổ phiếu lên cao. (Cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu – ngày 1/12/2021 đã liên tục tăng, thậm chí tăng trần nhiều phiên, mức cao nhất lên tới 24.000 đồng/cổ phiếu). Sau khi giá cổ phiếu FLC “đạt đỉnh”, ông Quyết chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu đã được “bán chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Nhờ “chiêu trò” thao túng thị trường chứng khoán trên, ông Quyết thu về gần 1.700 tỉ đồng sau khi bán cổ phiếu, hưởng lợi hơn 530 tỉ đồng.
Hành vi đó của ông Quyết trên thực tế là trái pháp luật, cố tình thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng, đã mang những dấu hiệu pháp lý được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 211 BLHS 2015 của Tội thao túng thị trường chứng khoán:
“a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;”
Thị trường chứng khoán xưa nay còn được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế – là một công cụ quan trọng giúp Chính phủ thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô. Do đặc thù của TTCK mà việc thực hiện các hành vi vi phạm như Tội thao túng thị trường chứng khoán sẽ xâm hại đến quyền và lợi ích của công chúng đầu tư chứ không phải trực tiếp đến một đối tượng đầu tư. Niềm tin của công chúng đầu tư làm tăng tính toàn vẹn của thị trường, thị trường minh bạch ở mức cao, giá cả phản ánh đúng giá trị cổ phiếu, thu hút hiệu quả vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ nguồn vốn đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì thế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng phạm tội về thao túng thị trường chứng khoán như ông Trịnh Văn Quyết là giúp nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo tính toàn vẹn không chỉ của TTCK nói riêng mà cả hệ thống tài chính nói chung.
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.