CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHI KHÔNG CHU CẤP CHO CON SAU LY HÔN KHÔNG?

Hôn nhân tan vỡ là điều không ai mong muốn nhưng vẫn là sự lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng khi không thể tiếp tục cùng nhau chung sống. Về mặt pháp luật, vợ chồng sẽ không còn ràng buộc quyền và nghĩa vụ với nhau khi đã ly hôn nhưng vẫn phải có trách nhiệm đối với con chung. Theo đó, vợ/chồng không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trên. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý khách hàng làm rõ những thắc mắc liên quan đến vấn đề này.

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 – Luật HNGĐ;
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 – BLHS;
  • Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng hộ; phòng chống bạo lực gia đình.

1. Cấp dưỡng là gì?

Cấp dưỡng là việc một người đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không chung sống với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu.

2. Ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn?

Căn cứ theo Điều 82 Luật HNGĐ 2014 quy định về Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Như vậy, sau ly hôn, người không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Nghĩa vụ này không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác cũng như không thể chuyển giao cho người nào khác.

3. Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn bị xử phạt thế nào?

Việc người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được xem là hành vi trái pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:   

  •  Về hành chính

Căn cứ theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, người có hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng. Đồng thời, còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

  • Về hình sự

Theo Điều 186 BLHS quy định cụ thể về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, khi xét có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người có nghĩa vụ cấp dưỡng không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn theo bản án, quyết định của Tòa án có thể sẽ bị áp dụng mức phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *