LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG KHI CÓ HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Tình trạng bạo lực gia đình xảy ra ngày càng nhiều và trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến hôn nhân rạn nứt. Đây là hành vi trái pháp luật cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng. Một số người vợ vẫn chọn cách chịu đựng vì con cái, một số khác muốn ly hôn nhưng không nhận được sự đồng ý từ phía người chồng. Vậy ly hôn đơn phương khi có hành vi bạo lực gia đình là như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý Khách hàng hiểu rõ về vấn đề trên:

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Hôn nhân và Gia đình 2014;
  • Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007;
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Phòng, chống bạo lực gia đình ;
  • Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 do Hội đồng Thẩm phán – Toà án nhân dân tối cao ban hành.

1. Bạo lực gia đình là gì?

Tại khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.” 

Theo đó, các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

– Cưỡng ép quan hệ tình dục;

– Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

– Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

– Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Lưu ý: Các hành vi bạo lực quy định nêu trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.

2. Có được quyền đơn phương ly hôn khi có hành vi bạo lực gia đình không?

Ly hôn đơn phương hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn và Tòa án giải quyết nếu có căn cứ khiến tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Trong đó, tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu rõ, căn cứ để Tòa án giải quyết khi có yêu cầu ly hôn đơn phương là:

– Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình;

– Vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ, chồng.

Như vậy, vợ, chồng hoàn toàn được quyền đơn phương ly hôn khi bị bạo lực gia đình bởi bên còn lại. Các hành vi bạo lực gia đình như đã phân tích ở trên dẫn đến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Bên cạnh đó, tình trạng tình trạng hôn nhân được coi là trầm trọng khi “…Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần…” (theo quy định tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP)

Ngoài ra, cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ

3. Hồ sơ ly hôn đơn phương khi có hành vi bạo lực gia đình

Để được Tòa án thụ lý giải quyết ly hôn đơn phương, người yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như sau:

– Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu);

– Đăng ký kết hôn (bản chính); nếu không có thì có thể xin cấp bản trích lục đăng ký kết hôn…

– CMND/CCCD, sổ hộ khẩu của vợ, chồng (bản photo có công chứng hoặc chứng thực);

– Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con (nếu có con chung);

– Giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu tài sản (nếu có);

– Ngoài ra, cần chuẩn bị bằng chứng của việc bạo lực gia đình thông (ví dụ: ảnh chụp, video về hành vi bạo lực; xác nhận của bệnh viện về việc điều trị chấn thương do hành vi bạo lực; biên bản xử phạt hành chính trước của vợ/chồng dao bạo lực gia đình…).

—- Xem thêm: Ly hôn đơn phương —-

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng/.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *