ĐẤU THẦU QUA MẠNG LÀ GÌ?

Ngày nay công nghệ kỹ thuật phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông Internet. Lĩnh vực đấu thầu cũng không nằm ngoài xu thế đó, hình thức đấu thầu qua mạng góp phần tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện mọi doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các dự án đầu tư, giảm thiểu thủ tục hành chính cho cả nhà thầu và bên mời thầu. Vậy, đấu thầu qua mạng bao gồm các công việc gì, thủ tục đăng ký như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Đầu tư 2013;
  • Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

1. Đấu thầu là gì?

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Các bên tham gia đấu thầu gồm có:

  • Bên mời thầu (bên gọi thầu) là chủ dự án, chủ đầu tư hoặc pháp nhân đại diện hợp pháp của chủ dự án, chủ đầu tư được giao trách nhiệm thực hiện công việc đấu thầu;
  • Nhà thầu là tổ chức kinh tế có đủ tư cách pháp nhân tham gia đấu thầu.

2. Đấu thầu qua mạng là gì?

Trước tiên, mang ở đây được hiểu là mạng Internet của quốc gia. Các chủ mời thầu sử dụng phương tiện Internet để tạo dựng những website để đấu thầu những công trình xây dựng hay bất kỳ dự án lớn nào cần tìm một nhà thầu tốt với giá phải chăng.

Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013, đấu thầu qua mạng là đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đồng thời, theo quyết định số 1402/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt tổng thể và lộ trình đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2025, Chính phủ đã chỉ rất rõ: “Đấu thầu qua mạng là một thành phần quan trọng của chính phủ điện tử, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào quá trình tương tác giữa các bên liên quan bao gồm: Chủ đầu tư/bên mời thầu, nhà thầu, các cơ quan giám sát, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội dân sự trong các hoạt động mua sắm công và quản lý thực hiện hợp đồng nhằm nâng cao khả năng quản trị nhà nước, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu; giúp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.”

Như vậy, đấu thầu qua mạng được hiểu là việc tận dụng những lợi thế sẵn có của Internet để tổ chức đấu thầu. Chủ mời thầu mời được nhà thầu tốt với giá cả hợp lý, phải chăng nhất vì đã trải qua một cuộc chọn lọc kỹ càng. Còn nhà thầu thì có nhiều cơ hội đảm bảo được các gói thầu lớn, lợi nhuận cao.

Một số lĩnh vực thường đấu thầu qua mạng là các công trình nhà ở, đường xá, cầu cảng, dịch vụ di chuyển,…

3. Những công việc cần thực hiện khi đấu thầu qua mạng

3.1. Đối với người tổ chức đấu thầu

Người tổ chức đấu thầu phải thực hiện một số công việc để đảm bảo quá trình mời thầu, đấu thầu diễn ra suôn sẻ, cụ thể như sau:

  • Thiết lập thông tin của dự án, thông tin của nhà mời thầu một các chi tiết, rõ ràng và cụ thể nhất lên trên hệ thống mạng.
  • Soạn sẵn những hồ sơ, giấy tờ thủ tục mời thầu qua mạng. Các biểu mẫu, form có sẵn, thiết kế ở nơi dễ tìm thấy. Có như vậy, người tham gia đấu thầu mới dễ dàng tìm được và điền thông tin cá nhân của họ.
  • Làm các thủ tục về đấu thầu và trả các chi phí liên quan để tổ chức đấu thầu qua mạng.
  • Tổ chức thực hiện đấu thầu qua mạng. Sau khi đã kết thúc khoảng thời gian đấu thầu, mở các hồ sơ, giấy tờ liên quan. Đánh giá và chọn lọc ra hồ sơ đấu thầu ưng ý nhất.
  • Công khai người trúng thầu trên hệ thống mạng. Ghi rõ thông tin người trúng thầu, gói thầu với giá trị gói thầu là bao nhiêu…
  • Đàm phán và ký kết hợp đồng với người trúng thầu. Các điều khoản, thỏa thuận chi tiết sẽ được ghi rõ trong hợp đồng.

3.2. Đối với người chọn thầu

Người chọn thầu phải thực hiện những công việc như sau:

  • Đăng tải thông tin của bản thân doanh nghiệp lên trên hệ thống mạng của nhà tổ chức đấu thầu.
  • Điền và nộp những hồ sơ có liên quan đến việc tham dự đấu thầu. Nếu nộp thành công sẽ được nhận thông báo xác nhận từ phía nhà mở thầu.
  • Đăng tải thông tin về bảo lãnh dự thầu, tăng uy tín của bản thân. Để thực hiện bảo lãnh phải thông qua ngân hàng, ký quỹ trước nếu có.
  • Làm các thủ tục tham dự và trả các chi phí liên quan đến việc đăng ký tham dự. Ngoài ra, có thể chọn trả chi phí duy trì các thông tin cá nhân trên hệ thống mạng. Chi phí này thường được trả mỗi năm một lần.
  • Ngoài ra còn phải trả các chi phí liên quan đến nộp hồ sơ, mua hồ sơ…
  • Sau khi đã trúng thầu thì sẽ ký kết hợp đồng, thỏa thuận mọi điều khoản chi tiết với bên mời thầu.

4. Gói thầu nào phải đấu thầu qua mạng?

Tại Điều 37 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định lộ trình đấu thầu qua mạng năm 2023 như sau:

  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa (bao gồm thuốc), xây lắp, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 200 tỷ đồng, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;
  • Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng gói thầu đạt tối thiểu 90% số lượng gói thầu và tối thiểu 80% tổng giá trị gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ.

Lộ trình đấu thầu qua mạng từ năm 2024 trở đi được quy định như sau:

  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa (bao gồm thuốc), xây lắp, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 500 tỷ đồng, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;
  • Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng gói thầu đạt tối thiểu 95% số lượng gói thầu và tối thiểu 90% tổng giá trị gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với toàn bộ (100%) gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ.

5. Thủ tục đăng ký tham gia mạng đấu thầu

Hồ sơ đăng ký bao gồm:

  • Đơn đăng ký nhà thầu, nhà đầu tư (đã có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu của đơn vị);
  • Bản chụp Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh cá thể)/tài liệu tương đương khác;
  • Bản chụp CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư (trường hợp ủy quyền thì phải có giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư);
  • Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư đã đăng ký và có thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ http://dangkykinhdoanh.gov.vn thì không phải nộp các tài liệu nêu trên, trừ đơn đăng ký nhà thầu, nhà đầu tư.

Thủ tục đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện như sau:

Bước 1: Đăng ký thông tin nhà thầu, nhà đầu tư trên mạng

Bước 2: Kiểm tra trạng thái phê duyệt đăng ký nhà thầu, nhà đầu tư trên mạng

Bước 3: Nhận chứng thư số trên mạng

Bước 4: Đăng ký người sử dụng chứng thư số trên mạng

Nhà thầu, nhà đầu tư có tên trong danh sách cơ sở dữ liệu nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt trên Hệ thống, được cấp chứng thư số tham gia đấu thầu qua mạng.

Lưu ý: Thời gian sử dụng của chứng thư số là 01 năm sau ngày cấp. Trước khi hết hạn sử dụng chứng thư số 01 tháng, bên mời thầu cần thực hiện gia hạn chứng thư số để có thể tiếp tục sử dụng hệ thống đấu thầu qua mạng.

 

Trên đây là bài viết của Luật Phúc Cầu về vấn đề Đấu thầu qua mạng”. Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *