HƯỚNG GIẢI QUYẾT KHI NGƯỜI VAY TIỀN BỎ TRỐN

Hiện nay, chuyện vay tiền bỏ trốn đã không còn hiếm gặp trong xã hội. Việc bỏ trốn có thể xuất phát từ nhiều lý do như làm ăn thua lỗ, không có khả năng chi trả, bị uy hiếp về tính mạng nên phải lánh đi nơi khác… hoặc cố tình bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì khi đến hạn người vay tiền có nghĩa vụ phải trả tiền cho người cho vay. Theo đó, hành vi bỏ trốn của người vay tiền mà không trả nợ đều sẽ bị xử lý. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp thông tin cho Quý Khách hàng về hướng giải quyết khi người vay tiền bỏ trốn:

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự năm 2015 – BLDS;
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) – BLHS;
  • Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) – BLTTHS.

1. Quy định pháp luật về việc vay tiền

Theo Điều 463 BLDS 2015 quy định về Hợp đồng vay tiền như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Đồng thời, Điều 466 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên cho vay, bên vay có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến hạn, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì bên vay có nghĩa vụ phải trả đủ lãi. Trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không trả nợ được thì hai bên có thể thỏa thuận, về việc gia hạn khoản vay cũng như là số tiền chậm trả, hay lãi suất quá hạn.

Như vậy, người vay tiền có nghĩa vụ phải trả nợ đúng hạn cho bên cho vay khi đến thời hạn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay. Quan hệ vay tiền có thể được xác lập bằng cách lập thành văn bản, lời nói hoặc bằng hành vi.

2. Hướng giải quyết khi người vay tiền bỏ trốn

Đối với trường hợp người vay tiền bỏ trốn, chúng ta có thể thực hiện một trong các cách sau đây:

a. Tố cáo ra cơ quan công an

Trước khi tố cáo ra cơ quan công an, người cho vay cần xác định các yếu tố sau:

Thứ nhất, xác định mục đích và hành vi của người vay tiền. Trường hợp người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn… nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay không đúng mục đích vay dẫn đến không có khả năng trả thì hành vi của người đó có dấu hiệu của tội phạm (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).

Thứ hai, phân biệt hành vi bỏ trốn và đi khỏi nơi cư trú. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để xác định người vay có bị xử lý hình sự hay không. Đi khỏi nơi cư trú là hành vi thông thường của việc thay đổi nơi cư trú, còn bỏ trốn là thay đổi nơi cư trú có mục đích, có lý do nhằm trốn tránh sự tìm kiếm của chủ nợ, nhằm làm cho chủ nợ không thể tố cáo, khởi kiện để đòi nợ… thì hành vi này mới nguy hiểm cho xã hội và bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 172 BLHS. Nếu người vay tiền không bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản mà đi khỏi nơi cư trú với mục đích khác (như đi làm ăn, đi chữa bệnh, bị uy hiếp mà phải lánh đi để bảo toàn tính mạng…) và vẫn liên hệ với người cho vay, cơ quan công an nơi cư trú, gia đình, người thân vẫn liên lạc được với người vay tiền đó thì chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự theo quy định.

Như vậy, cần có đủ căn cứ người vay “bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản” thì người cho vay mới có thể tố cáo ra Cơ quan công an cùng với các bằng chứng chứng minh để đề nghị điều tra, xử lý hành vi của người vay.

Theo Điều 28 BLTTHS quy định thì việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu cơ quan điều tra xử lý người vay bằng biện pháp hình sự thì quá trình giải quyết vụ án sẽ giải quyết đồng thời việc bồi thường cho những người bị hại do hành vi phạm tội đó gây ra.

b. Khởi kiện ra Toà án

Như đã phân tích ở trên, trường hợp người vay tiền không có dấu hiệu của tội phạm thì việc vay tiền chỉ được xem là giao dịch dân sự. Việc không trả được nợ đúng hạn có thể là do làm ăn thua lỗ hoặc do các tác động khách quan khác…, người cho vay có quyền khởi kiện ra Toà án để yều cầu buộc trả lại tiền (cả tiền gốc và lãi nếu có thoả thuận). Đây là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm nên sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền cho người vay thì những tài sản của người vay (nếu có) sẽ được cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại để trả cho những người bị hại.

Lưu ý: Thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng vay tiền là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của Quý khách hàng tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng/./

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *