TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

Trong xã hội ngày nay, du lịch không chỉ là đi khám phá, trải nghiệm mà còn là một trong những cách giải tỏa căng thẳng, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt mỏi. Nhu cầu du lịch ngày càng tăng dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty du lịch, đặc biệt là hình thức kinh doanh lữ hành. Trong bài viết dưới đây, Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp thông tin cho Quý Khách hàng về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép Kinh doanh lữ hành nội địa:

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Du lịch năm 2017;
  • Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
  • Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
  • Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL về hướng dẫn Luật Du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành;
  • Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL sửa đổi Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL hướng dẫn Luật Du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành;
  • Thông tư 33/2018/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

1. Khái niệm Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa theo quy định pháp luật

Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa là một loại giấy tờ mà chỉ khi doanh nghiệp được cấp thì mới có thể thực hiện tổ chức tour du lịch trong nước phục vụ cho khách Việt Nam tại Việt Nam.

Công ty có vốn Việt Nam và công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều có thể được cấp phép theo quy định của Luật Du lịch 2017.

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

  • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
  • Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng với mức ký quỹ là 20.000.000 đồng;
  • Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

Cụ thể tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2019/TT – BVHTTDL sửa đổi Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT- BVHTTDL quy định chuyên ngành về lữ hành được thể hiện trên bằng tốt nghiệp của một trong các ngành, nghề, chuyên ngành sau đây:

“a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

b) Quản trị lữ hành;

c) Điều hành tour du lịch;

d) Marketing du lịch;

đ) Du lịch;

e) Du lịch lữ hành;

g) Quản lý và kinh doanh du lịch;

h) Quản trị du lịch MICE;

i) Đại lý lữ hành;

k) Hướng dẫn du lịch;

l) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực;

m) Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.

Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.”

Trường hợp người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa không có các bằng cấp từ cao đẳng các chuyên ngành nêu trên cần học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa gồm các nội dung đào tạo như sau:

  • Kiến thức cơ sở ngành: hệ thống chính trị Việt Nam; các văn bản pháp luật liên quan đến du lịch; tổng quan du lịch; marketing du lịch; tâm lý khách du lịch và nghệ thuật giao tiếp;
  • Kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ điều hành du lịch: tổng quan về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; thị trường du lịch và sản phẩm du lịch; thiết kế sản phẩm và tính giá chương trình du lịch; khu du lịch, điểm du lịch Việt Nam; nghiệp vụ điều hành du lịch; bán hàng và chăm sóc khách hàng; marketing và truyền thông; thủ tục vận chuyển hàng không nội địa; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển doanh nghiệp;
  • Thực hành nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (Theo mẫu);
  • Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành 20.000.000 đồng;
  • Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
  • Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành đáp ứng yêu cầu.

4. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa

Bước 1: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở.

Cách thức nộp hồ sơ: Gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp tỉnh thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải có thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa: Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.

6. Lệ phí

Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

  • Cấp mới: 3.000.000 đồng/giấy phép;
  • Cấp đổi: 2.000.000 đồng/giấy phép;
  • Cấp lại: 1.500.000 đồng/giấy phép.

Trên đây là những vấn đề về “Cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa”. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trong/./

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *