CẤU TRÚC PHÁP LÝ THƯƠNG VỤ SÁP NHẬP NGƯỢC GTNFOODS VÀ VILICO (GTNFoods – Vilico acquisition: Legal structure)

Mở đầu: Đầu năm 2021, Công ty cổ phần GTNFoods (Mã chứng khoán: GTN) đã sáp nhập vào Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã chứng khoán: VLC). Đây là thương vụ hiếm có trong lịch sử của các giao dịch M&A khi công ty mẹ lại sáp nhập “ngược” vào công ty con*. Trong thương vụ trên, làm cách nào để công ty mẹ sáp nhập được vào công ty con, đồng thời lợi ích của các cổ đông sẽ được đảm bảo như thế nào là các vấn đề pháp lý rất đáng được quan tâm. Những vấn đề pháp lý liên quan đến thương vụ trên sẽ được Luật Phúc Cầu trình bày trong bài viết dưới đây.

1. Các bên tham gia giao dịch

  • Vinamilk (Bên đứng sau giao dịch)

Tuy không phải là bên bị sáp nhập hay bên nhận sáp nhập nhưng vị trí của Vinamilk trong giao dịch trên là hết sức quan trọng. Trước khi tiến hành thương vụ sáp nhập, Vinamilk sở hữu 75% GTNFoods, tiếp đó GTNFoods sở hữu 74,49% Vilico, cuối cùng Vilico lại sở hữu 51% cổ phần tại Mộc Châu milk. Đối với Vinamilk việc tiến hành thương vụ sáp nhập là để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của nhánh GTN, từ đó làm giảm chi phí quản lý và đẩy nhanh hơn tới mục tiêu hoàn toàn thâu tóm Mộc Châu milk. Chuỗi hoạt động thâu tóm và sáp nhập này của Vinamilk là phù hợp với chiến lược mở rộng thị phần thông qua làm chủ nguồn cung của Vinamilk, vậy nên các thương vụ diễn ra rất nhanh chóng.

  • GTNFoods (Bên bị sáp nhập)

Trước khi tiến hành sáp nhập, GTNFoods tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất được thành lập năm 2011 với mô hình công ty đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản. Năm 2015 – 2017, GTNFoods thoái toàn bộ các mảng đầu tư ban đầu và tập trung danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp được cổ phần hóa. Bản thân GTNFoods không tạo ra doanh thu từ hoạt động chế biến, sản xuất mà doanh thu của công ty đến từ hoạt động đầu tư tài chính. Trong năm tài chính 2020, GTNFoods không ghi nhận doanh thu nhưng lại ghi nhận 75,6 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Một số cổ phiếu doanh nghiệp mà GTNFoods sở hữu gồm: sở hữu Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu – Mộc Châu Milk với tỷ lệ nắm giữ 26,7% cổ phần, Tổng công ty Chè Việt Nam – Vinatea (16,23%), Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (38,3%), Công ty cổ phần Nhựa Miền Trung (40%), Vilico (74,79%). Đối với Vinamilk việc duy trì GTNFoods không mang lại nhiều ý nghĩa thực tế mà chỉ làm gia tăng gánh nặng chi phí, theo ước tính của Công ty Chứng khoán Mirae Asset việc sáp nhập có thể tiết kiệm từ 10 – 12 tỷ đồng chi phí quản lý/năm, tương đương 4% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của nhóm GTN năm 2020.

  • Vilico (Bên nhận sáp nhập)

Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico được thành lập năm 1996 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trên toàn quốc, trực thuộc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2013. Vilico có vốn điều lệ 631 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất là GTNFoods sở hữu 74,49%, tương ứng 47 triệu cổ phiếu. Một số ngành nghề Vilico đăng ký kinh doanh bao gồm: đầu tư tài chính và công nghệ; chăn nuôi giống gia súc, gia cầm và các loại động vật khác; sản xuất chế biến, kinh doanh nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi; kinh doanh thuốc thú y…. Tuy là công ty con của GTNFoods nhưng Vilico là công ty đóng góp phần lớn vào lợi nhuận mà GTNFoods ghi nhận trong năm 2020.

Từ việc phân tích các bên tham gia thương vụ GTNFoods sáp nhập vào Vilico có thể thấy động lực sáp nhập chủ yếu đến từ việc Vinamilk muốn tái cấu trúc các công ty con để đơn giản hóa khâu quản lý, tiết giảm chi phí, đồng thời giúp Vilico tập trung phát triển ngành chăn nuôi bò thịt. Ngoài ra cũng có thể thấy việc sáp nhập GTNFoods vào công ty con là Vilico mà không phải ngược lại là phù hợp với các mục tiêu mà Vinamilk đã đặt ra, vậy nên vấn đề còn lại chỉ là việc lựa chọn cấu trúc giao dịch như nào để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

2. Sơ lược về giao dịch GTNFoods sáp nhập vào Vilico

Tháng 3/2021 GTNFoods tổ chức Đại hội Cổ đông nhằm thông qua phương án sáp nhập công ty và một số vấn đề khác. Tháng 11/2021 Hội đồng Cổ đông GTNFoods ra Nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án sáp nhập Công ty cổ phần GTNFoods vào Tổng công ty chăn nuôi Vilico, đồng thờiVilico cũng lấy ý kiến của cổ đông bằng văn bản về việc sáp nhập này.

Ngày 09/3/2022, Vilico đã phát hành thêm 156,2 triệu cổ phiếu mới để hoán đổi với cổ phiếu của GTNFoods theo tỷ lệ 1,6:1. Điều này có nghĩa là cổ đông sở hữu 1,6 cổ phiếu GTN sẽ đổi được 1 cổ phiếu VLC. Toàn bộ 156,2 triệu cổ phiếu Vilico được phát hành mới sẽ được hoán đổi với 250 triệu cổ phiếu GTNFoods (Tương đương 100% vốn điều lệ GTNFoods). Sau khi tiến hành hoán đổi, cổ phiếu của GTNFoods (Mã chứng khoán GTN, niêm yết trên sàn HoSe) sẽ bị hủy niêm yết.

Đến ngày 31/5/2022, 156,2 triệu cổ phiếu Vilico phát hành thêm sẽ được giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán, đồng thời Vilico cũng hủy toàn bộ 47 triệu cổ phiếu Vilico mà GTNFoods nắm giữ (tương đương với 74,79% vốn điều lệ Vilico trước khi thương vụ sáp nhập diễn ra). Kết thúc giao dịch Vilico tăng vốn điều lệ lên 1.723 tỷ đồng.

3. Một số vấn đề pháp lý liên quan

  • Yêu cầu thông báo về tập trung kinh tế

Căn cứ theo điểm c Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP về tổng giá trị giao dịch của thương vụ là 1.723 tỷ đồng lớn hơn ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế là 1.000 tỷ đồng. Vậy nên trong tháng 1/2022, Vilico đã có văn bản thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi với cổ phiếu của GTNFoods nhằm thực hiện sáp nhập.

  • Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu

Trước khi tiến hành hoán đổi cổ phiếu, giá cổ phiếu của GTNFoods là khoảng 18.450 đồng/CP, giá cổ phiếu của Vilico là 32.800 đồng/CP (Phiên giao dịch ngày 07/02/2022). Như vậy so với tỷ lệ 1,6:1 (1,6 cổ phiếu GTN đổi 1 cổ phiếu VLC) thì cổ phiếu của Vilico đang được thị trường đánh giá cao hơn nênsau khi hoán đổi những cổ đông GTNFoods sẽ được lợi phần chênh lệch so với thị trường đánh giá Tuy nhiên nếu xét về mặt tỷ lệ kiểm soát thì cổ đông nhỏ của GTNFoods sẽ càng ít khả năng chi phối hơn sau khi sáp nhập vào Vilico.

Ngoài ra để có đủ cổ phiếu nhằm hoán đổi với GTNFoods thì Vilico cũng phải phát hành thêm 156,25 triệu cổ phiếu, điều này cũng sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện tại.

  • Hủy niêm yết cổ phiếu Vilico mà GTNFoods nắm giữ

Vì trước khi tiến hành sáp nhập GTNFoods là công ty mẹ đã sở hữu 74,79% cổ phiếu Vilico mà sau khi sáp nhập toàn bộ tài sản cũng như quyền và nghĩa vụ sẽ được chuyển sang Vilico vậy nên 74,79% cổ phiếu Vilico mà GTNFoods nắm giữ cũng sẽ trở thành tài sản của Vilico. Vilico đã chọn cách hủy lượng cổ phiếu này, 47 triệu cổ phiếu Vilico mà GTNFoods nắm giữ bị hủy ngày 31/05/2022. Việc hủy cổ phiếu trên sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, sau khi hủy lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 172,3 triệu cổ phiếu thay vì 219,3 triệu cổ phiếu.

 

*Theo quy định tại Điều 195, Luật doanh nghiệp năm 2020 về Công ty mẹ, công ty con được hiểu như sau:

Điều 195. Công ty mẹ, công ty con

Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này.

Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Có thể hiểu đơn giản công ty mẹ là công ty có quyền đơn phương chi phối những quyết định quan trọng nhất của công ty con.

 

Trên đây là những vấn đề về Cấu trúc pháp lý thương vụ sáp nhập ngược GTNFoods và Vilico”. Để được tư vấn chi tiết hơn về M&A và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng /./

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *