Mở đầu: Trong các giao dịch M&A thuật ngữ “Chào mua công khai” được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là trong các thương vụ thâu tóm công ty đại chúng. Một số thương vụ có thể kể đến là Vinamilk chào mua công khai cổ phiếu GTNFoods, SK Investment chào mua công khai 1,1% vốn tại IMP, Masan Consumer chào mua công khai 60% NET,… Trong phạm vi bài viết tác giả sẽ làm rõ một số vấn đề cơ bản liên quan đến chào mua công khai như: định nghĩa, các trường hợp phải chào mua công khai, thủ tục chào mua công khai.
Căn cứ pháp lý:
- Luật chứng khoán năm 2019
- Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán
- Thông tư số 118/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng
- Nghị định 156/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
1. Tổng quan về chào mua công khai
1.1. Định nghĩa
Khoản 25 Điều 1 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP đưa ra định nghĩa như sau:
“Chào mua công khai là việc tổ chức, cá nhân công khai thực hiện việc mua một phần hoặc toàn bộ số Cổ Phiếu Có Quyền Biểu Quyết của một công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng của một quỹ đóng theo các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo công bằng cho các cổ đông, nhà đầu tư của công ty mục tiêu, quỹ đầu tư mục tiêu.”
Từ định nghĩa trên có thể thấy Chào mua công khai chỉ được áp dụng khi công ty mục tiêu là công ty đại chúng hoặc quỹ mục tiêu là quỹ đóng* .Mục đích của quy định chào mua công khai là để đảm bảo công bằng cho các cổ đông, nhà đầu tư, ngoài ra việc bắt buộc chào mua công khai còn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn hoạt động thâu tóm bí mật gây lũng đoạn thị trường.
1.2. Trường hợp phải chào mua công khai
Khoản 1 Điều 35 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định các trường hợp sau phải chào mua công khai:
+ Tổ chức, cá nhân và người có liên quan dự kiến mua cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành của 01 quỹ đóng;
+ Tổ chức, cá nhân và người có liên quan nắm giữ từ 25% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành của 01 quỹ đóng dự kiến mua tiếp dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt hoặc vượt mức 35%, 45%, 55%, 65%, 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành của 01 quỹ đóng;
+Sau khi thực hiện chào mua công khai mà tổ chức, cá nhân và người có liên quan nắm giữ từ 80% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành của 01 công ty đại chúng phải mua tiếp số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng do các cổ đông, nhà đầu tư còn lại nắm giữ trong thời hạn 30 ngày theo các điều kiện về giá chào mua và phương thức thanh toán tương tự với đợt chào mua công khai. (Ngoại trừ trường hợp việc chào mua đã được thực hiện đối với toàn bộ số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành của 01 quỹ đóng).
Như vậy, có thể thấy căn cứ để xác định việc có hay không phải chào mua công khai chính là mức sở hữu gián tiếp hoặc trực tiếp sau khi mua. Nếu mức này đạt đến 25%, 35%, 45%, 55%, 65%, 75% thì sẽ phải tiến hành chào mua công khai (đặc biệt nếu nắm giữ từ 80% thì sẽ phải tiếp tục mua toàn bộ). Xét trên mục đích là để đảm bảo công bằng cho các cổ đông, nhà đầu tư thì việc dùng mức sở hữu là đúng đắn, việc chào mua công khai giúp tránh được việc một nhà đầu tư bí mật sở hữu đủ tỷ lệ biểu quyết (51% hoặc 65% tổng số phiếu biểu quyết) hoặc đủ tỷ lệ phủ quyết (36% hoặc 65% tổng số phiếu biểu quyết) để từ đó thao túng công ty.
Ngoài các trường hợp phải chào mua công khai, Luật Chứng khoán năm 2019 cũng quy định cụ thể về các trường hợp không phải chào mua công khai mặc dù việc sở hữu sẽ đạt đến tỷ lệ sở hữu được quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Chứng khoán năm 2019. Có thể tổng hợp các trường hợp không phải chào mua công khai vào những nhóm gồm:
+ Việc sở hữu đến ngưỡng cổ phần, chứng chỉ quỹ đóng được công khai trước khi thực hiện mua lại: Các trường hợp tại điểm a, điểm b và điểm d thuộc trường hợp này. Việc được thông qua bởi Đại hội cổ đông, ban kiểm soát đồng nghĩa với việc những cổ đông nhỏ đã biết về việc mua lại cũng như tỷ lệ sở hữu sau quá trình mua. Tương tự, việc tham gia đấu giá công khai cũng đã thể hiện rõ mong muốn mua của nhà đầu tư. Vì việc mua cổ phần đã trở nên công khai vậy nên việc chào mua công khai là không còn cần thiết nữa.
+ Việc sở hữu cổ phần, chứng chỉ quỹ đóng đến ngưỡng không ảnh hưởng đến cổ đông nhỏ: Việc chuyển nhượng cổ phiếu trong các công ty theo nhóm công ty được quy định tại điểm c thuộc trường hợp này. Vì bản chất trong nhóm công ty, công ty mẹ đã có toàn quyền với công ty con (Điều 95 Luật Doanh nghiệp năm 2020) nên việc có sở hữu thêm cổ phần biểu quyết cũng không làm thay đổi khả năng ra quyết định của công ty mẹ . Theo đó, có thể thấy rằng,việc chào mua công khai để bảo vệ cổ đông nhỏ là không có ý nghĩa.
+ Sở hữu cổ phần, chứng chỉ quỹ đóng không thông qua việc mua bán: Các trường hợp thuộc điểm đ, điểm e, điểm g thuộc nhóm này. Do không phải sở hữu cổ phần, chứng chỉ quỹ đóng thông qua việc mua bán nên trường hợp này đương nhiên không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai.
1.3. Điều kiện chào mua công khai
Điều kiện chào mua công khai là tùy thuộc vào điều kiện và mong muốn của bên bán, tuy nhiên những điều kiện này phải tuân thủ theo những giới hạn nhất định do pháp luật chứng khoán đặt ra.
1.3.1. Nguyên tắc chào mua công khai
Nguyên tắc chào mua công khai được quy định tại Điều 82 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:
“1, Việc chào mua công khai phải đảm bảo công bằng đối với các cổ đông của công ty mục tiêu, nhà đầu tư của quỹ đầu tư mục tiêu.
2, Các bên tham gia chào mua công khai được cung cấp đầy đủ thông tin để tiếp cận đề nghị mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng.
3, Tôn trọng quyền tự định đoạt của các cổ đông của công ty mục tiêu, nhà đầu tư của quỹ đầu tư mục tiêu.
4, Tổ chức, cá nhân chào mua công khai phải chỉ định một công ty chứng khoán làm đại lý chào mua công khai.”
Vì mục đích chính của việc chào mua công khai là để bảo vệ các cổ động nhỏ chính nên các nguyên tắc chào mua công khai cũng hướng đến việc tôn trọng mục đích này. Các nguyên tắc hướng tới việc đảm bảo tất cả các cổ đông của công ty mục tiêu sẽ có đầy đủ thông tin và được đối xử một cách công bằng trong quá trình chào mua.
1.3.2. Thời hạn chào mua công khai
Pháp luật giới hạn thời gian tiến hành giao dịch chào mua công khai như sau: “Thời gian thực hiện 01 đợt chào mua công khai tối thiểu là 30 ngày giao dịch và tối đa là 60 ngày giao dịch kể từ ngày bắt đầu nhận đăng ký bán, đăng ký hoán đổi được xác định trong Bản thông báo chào mua công khai.” (Khoản 2 Điều 93 Nghị định 155/2020/NĐ-CP)
1.3.3. Giá chào mua công khai
Giá chào mua công khai là yếu tố phụ thuộc vào điều kiện cũng như mong muốn của bên mua, tuy nhiên Luật chứng khoán cũng xác định một số nguyên tắc để xác định giá tại Điều 91 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:
“1. Đối với trường hợp chào mua công khai thanh toán bằng tiền
a) Giá chào mua không được thấp hơn bình quân giá tham chiếu của 60 ngày giao dịch liền trước ngày gửi Giấy Đăng Ký Chào Mua Công Khai và không thấp hơn giá mua cao nhất của các đợt chào mua công khai đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng của công ty mục tiêu, quỹ đầu tư mục tiêu trong thời gian này;
b) Trong quá trình chào mua công khai, tổ chức, cá nhân chào mua công khai không được điều chỉnh giảm giá chào mua công khai;
c) Trường hợp điều chỉnh tăng giá chào mua công khai, tổ chức, cá nhân chào mua công khai phải công bố giá điều chỉnh tối thiểu 07 ngày trước ngày cuối cùng nhận đăng ký bán và giá điều chỉnh được áp dụng đối với tất cả các cổ đông, nhà đầu tư đăng ký bán. Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân đăng ký chào mua công khai phải đảm bảo có khả năng thanh toán đối với số tiền phát sinh tăng do tăng giá chào mua công khai.
Đối với trường hợp chào mua công khai bằng cổ phiếu phát hành, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông của tổ chức chào mua công khai thông qua theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định này.”
Như vậy, có thể thấy, pháp luật về chứng khoán không giới hạn mức giá trần của việc chào mua công khai mà để cho bên mua tự xác định thông qua việc cân nhắc lợi ích, pháp luật chỉ xác định mức giá tối thiểu để đảm bảo các cổ đông của bên bán đều nhận được những lợi ích nhất định từ việc bán cổ phiếu trong quá trình chào mua.
2. Thủ tục chào mua công khai
Theo Điều 86 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP việc chào mua công khai cần thông qua các bước sau:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân có ý định chào mua công khai gửi hồ sơ đăng ký chào mua công khai đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước đồng thời gửi cho công ty mục tiêu, công ty quản lý quỹ đầu tư mục tiêu.
Hồ sơ chào mua công khai gồm những giấy tờ sau:
+Giấy đăng ký chào mua công khai theo mẫu số 23 (đính kèm Nghị định số 155/2020/NĐ-CP);
+Bản công bố thông tin theo mẫu số 24 (đính kèm Nghị định số 155/2020/NĐ-CP;
+Quyết định của cấp có thẩm quyền của tổ chức đăng ký chào mua công khai thông qua việc chào mua công khai;
+Giấy xác nhận bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng đối với tổ chức, cá nhân chào mua công khai hoặc giấy xác nhận phong tỏa tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chào mua công khai đảm bảo tổ chức, cá nhân có đủ tiền để thực hiện chào mua công khai. Tài liệu này phải được gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản thông báo nhận được đầy đủ hồ sơ;
+Văn bản của công ty chứng khoán xác nhận làm đại lý chào mua công khai;
+Văn bản của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về tập trung kinh tế được thực hiện hoặc tập trung kinh tế có điều kiện trong trường hợp chào mua công khai dẫn đến hoạt động tập trung kinh tế thuộc ngưỡng tập trung kinh tế phải thông báo.
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai, công ty mục tiêu, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý quỹ đầu tư mục tiêu có trách nhiệm công bố thông tin về việc nhận được đề nghị chào mua công khai trên trang thông tin điện tử của công ty mục tiêu, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý quỹ đầu tư mục tiêu, Sở giao dịch chứng khoán.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân chào mua công khai và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đã nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký chào mua công khai; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào mua công khai, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện chào mua công khai phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo kết quả chào mua công khai, đồng thời công bố thông tin về kết quả chào mua công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm trang thông tin của Sở giao dịch chứng khoán trong trường hợp cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ đóng được chào mua công khai được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
Lưu ý: Các biểu mẫu trong quá trình thực hiện chào mua công khai phải tuân thủ theo quy định của Thông tư 118/2020/TT-BTC.
3. Vi phạm quy định chào mua công khai
Hành vi vi phạm quy định pháp luật về chào mua công khai được quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định 156/2020/NĐ-CP.
Cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Các hành vi này chủ yếu liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; đối xử không công bằng về thông tin, giá mua giữa các cổ đông; vi phạm về khối lượng và thời gian mua.
Kết luận: Chào mua công khai trong những trường hợp nhất định là quy định của pháp luật về chứng khoán nhằm bảo vệ các cổ đông nhỏ lẻ đồng thời tránh cho các công ty đại chúng bị thâu tóm bí mật. Khi cá nhân, tổ chức có ý định mua thuộc trường hợp chào mua công khai thì cá nhân, tổ chức này phải tiến hành theo đúng trình tự pháp luật.
*Quỹ đóng (hay còn gọi là quỹ giao dịch công cộng, quỹ đầu tư đóng) là hình thức quỹ chỉ phát hành chứng chỉ quỹ một lần duy nhất khi tiến hành hoạt động huy động vốn và không được phát hành lại trong bất cứ hoàn cảnh nào. Quỹ đóng sẽ không mua lại chứng chỉ quỹ khi nhà đầu tư có nhu cầu bán lại. Vì vậy, để tạo tính thanh khoản cho loại quỹ này, các chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán như một cổ phiếu thông thường ngay sau khi kết thúc hoạt động huy động vốn. Một số quỹ đóng nổi tiếng của Việt Nam đang hoạt động như: Quỹ ETF DCVFMVN30, Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND
Trên đây là những vấn đề về “Chào mua công khai và giá trị của chào mua công khai”. Để được tư vấn chi tiết hơn về M&A và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng /./