Các phương thức thâu tóm Công ty cổ phần

Mở đầu: Trong các thương vụ M&A, việc lựa chọn phương thức thâu tóm là một trong các vấn đề trọng tâm. Đặc biệt khi công ty mục tiêu là công ty cổ phần thì việc lựa chọn phương thức thâu tóm cần chú ý đến các yếu tố như: sự đồng thuận của ban quản lý, ý chí của các cổ đông, quy định của pháp luật,… Trong phạm vi bài viết này Luật Phúc Cầu sẽ trình bày sơ lược về các phương thức thâu tóm công ty cổ phần.

1. Tổng quan về việc thâu tóm công ty cổ phần

1.1. Sơ lược về công ty cổ phần

Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 đưa ra định nghĩa về công ty cổ phần như sau:

“1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

….”

Về bản chất công ty cổ phần (CTCP) là công ty đối vốn, bản thân công ty cổ phần đã có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Khoản 2 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020). Với mong muốn thâu tóm công ty cổ phần, bên mua cần quan tâm đến hai đặc điểm trong số các điểm đã được nêu ra tại khoản 1 Điều 111 gồm: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (trừ 02 trường hợp). Trong thương vụ thâu tóm công ty cổ phần, bên mua luôn nhắm tới việc nắm giữ đủ số lượng cổ phần cho phép bên mua nắm quyền chi phối. Từ đó, tất cả các phương thức thâu tóm đều nhắm đến mục tiêu cuối cùng này.

1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thâu tóm công ty cổ phần

Trong một thương vụ thâu tóm công ty cổ phần, một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng gồm:

  • Điều kiện và mong muốn của bên mua: Đây là yếu tố cơ bản để bên mua quyết định cách thức thâu tóm. Căn cứ vào mong muốn và tiềm lực của bản thân, bên mua có thể xác định cách thức thâu tóm phù hợp.
  • Tỷ lệ phân tán cổ phần: Trong một thương vụ thâu tóm, việc cổ phần của công ty có bị phân tán hay không ảnh hưởng rất lớn đến phương thức tiến hành thâu tóm. Việc cổ phần tập trung trong tay một vài cổ đông thường làm cho thương vụ thâu tóm diễn ra nhanh hơn, đồng thời quá trình đàm phán cũng dễ dàng hơn, ngược lại nếu cổ phần phân tán trong tay quá nhiều người thì quá trình thâu tóm sẽ phải diễn ra công khai và cần nhiều nỗ lực để sở hữu được tỷ lệ cổ phần mong muốn.
  • Sự ủng hộ của ban điều hành: Ban điều hành gồm những cá nhân trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành công ty. Đối với những cá nhân này, việc công ty bị thâu tóm ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Việc có được sự ủng hộ của ban điều hành là cơ sở thuận lợi để tiến hành thương vụ thâu tóm.
  • Pháp luật hiện hành: Đây là yếu tố mấu chốt trong việc thực hiện thương vụ thâu tóm. Các quy định pháp luật có thể làm cho tính toán ban đầu của bên mua phải thay đổi, cũng có trường hợp quy định pháp luật đã xác định ngay từ đầu phương thức tiến hành thương vụ thâu tóm đồng thời buộc các bên phải tiến hành theo quy định.

2. Các phương thức tiến hành thâu tóm công ty cổ phần

2.1. Thương lượng tự nguyện

Thương lượng tự nguyện diễn ra trong trường hợp bên mua và công ty mục tiêu đã có sự tiếp xúc từ trước. Hai bên đều chấp nhận thương vụ mua bán và tiến hành thương lượng các điều kiện liên quan. Thương vụ diễn ra theo phương thức tiến hành tự nguyện thường mang màu sắc thân thiện, nhờ đó bên mua sẽ có được sự hỗ trợ từ ban điều hành trong việc thẩm định doanh nghiệp. Với công ty cổ phần, thương lượng tự nguyện là kết quả của quyết định bán đã được thông qua đại hội cổ đông. Việc thương lượng giữa bên mua và Hội đồng quản trị, ban điều hành cũng có thể là tiền đề để kết hợp với các phương thức thâu tóm khác. Sau khi đã tiến hành thương lượng và được Đại hội cổ đông thông qua, việc thâu tóm có thể diễn ra bằng cách mua cổ phần được phát hành mới hoặc thực hiện chào mua theo điều kiện đã được thương lượng từ trước.

2.2. Chào thầu/chào mua công khai

Chào thầu là việc bên mua đề nghị cổ đông hiện hữu của công ty đó bán lại cổ phần của họ. Giá chào thầu phải đủ hấp dẫn để cổ đông sẵn sàng từ bỏ cổ phần cùng quyền quản lý của mình. Việc chào thầu có thể nhận được sự đồng ý của Hội đồng quản trị, Ban điều hành. Nếu việc chào thầu có được sự chấp thuận thì thương vụ đó sẽ mang màu sắc thân thiện, ngược lại nếu không nhận được sự chấp thuận thì thương vụ sẽ mang tính thù nghịch và công ty mục tiêu có thể sử dụng một số biện pháp phòng vệ nhằm chống lại quá trình thâu tóm. Khi vấp phải sự phòng vệ từ công ty mục tiêu, việc thâu tóm có thể tốn nhiều chi phí hơn, thậm chí sự phòng vệ của công ty mục tiêu có thể biến thương vụ trở thành thảm họa cho bên mua.

Chào mua công khai là quy định của pháp luật Việt Nam buộc cá nhân, tổ chức phải công khai mua một phần hoặc toàn bộ số cổ phần của một công ty đại chúng. Cá nhân, tổ chức buộc phải thực hiện chào mua công khai khi tỉ lệ sở hữu dự kiến sau đợt mua vượt quá ngưỡng tỷ lệ nhất định (25%, 35%, 45%, 55%, 65%, 75% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết). Tương tự với chào thầu, việc thâu tóm thông qua chào mua công khai mang màu sắc thân thiện hay không phụ thuộc vào việc thương vụ có được giới lãnh đạo của công ty mục tiêu chấp nhận hay không.

Mời xem thêm: CHÀO MUA CÔNG KHAI VÀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CÙA CHÀO MUA CÔNG KHAI

Như vậy có thể thấy chào thầuchào mua công khai về cơ bản đều là việc bên mua đưa ra một mức giá chào nhất định với cổ phiếu của công ty mục tiêu, cổ đông của công ty mục tiêu sẽ cân nhắc các điều kiện để đưa ra quyết định có bán cổ phần của mình hay không. Điểm khác nhau giữa hai bên đó là chào mua công khai là quy định bắt buộc của pháp luật đối với bên có ý định mua công ty đại chúng để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; còn chào thầu là sự lựa chọn, sự lựa chọn này không mang tính bắt buộc mà tùy thuộc vào nhu cầu và mong muốn của bên mua. Giá chào thầu có thể được xác định thông qua thương lượng giữa bên mua và Hội đồng quản trị của bên mua mục tiêu hoặc trong trường hợp khác có thể do bên mua tự quyết định. Tuy nhiên trong trường hợp chào mua công khai thì Điểm a Khoản 1 Điều 91 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định Giá chào mua không được thấp hơn bình quân giá tham chiếu của 60 ngày giao dịch liền trước ngày gửi giấy đăng ký chào mua công khai và không thấp hơn giá mua cao nhất của các đợt chào mua công khai đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng của công ty mục tiêu, quỹ đầu tư mục tiêu trong thời gian này

2.3. Mua gom từng phần

Mua gom từng phần là việc bên mua thực hiện mua cổ phần của công ty mục tiêu thông qua thị trường chứng khoán (với công ty đại chúng) hoặc khi có cổ đông muốn bán. Việc mua gom từng phần thường diễn ra trong thời gian dài, vậy nên không thích hợp với các thương vụ cần thâu tóm nhanh. Việc mua gom từng phần thường là cách cuối cùng do không thể thực hiện các cách thâu tóm khác hoặc cũng có thể là chiến lược lâu dài của bên mua. Ưu điểm của việc mua gom từng phần là bên mua có thể chủ động mua khi giá mua và điều kiện mua phù hợp với mong muốn của bản thân. Khi mua gom từng phần cổ phiếu của một công ty đại chúng cần chú ý đến việc tỷ lệ sở hữu có vượt ngưỡng cần chào mua công khai hay không.

2.4. Liên kết với các cổ đông

Phương thức này không thể coi là sát với các định nghĩa về M&A tuy nhiên nếu để “thâu tóm” một công ty thì đây cũng có thể là một cách cần xem xét. Việc liên kết với các cổ đông thường diễn ra trong trường hợp bên mua không thể sở hữu đủ số cổ phần chi phối và cần liên kết với các cổ đông khác để nắm quyền chi phối. Việc liên kết với các cổ đông khác có thể tiềm ẩn nguy cơ bị phản bội. Những liên kết trên thường dựa trên lợi ích chung vậy nên khi những lợi ích này không còn tồn tại thì liên kết cũng có thể bị phá vỡ.

Kết luận: Trong quá trình thâu tóm một công ty cổ phần, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới phương thức thâu tóm. Tùy vào (i) điều kiện của bên mua, (ii) tỉ lệ phân tán cổ phần của bên bán, (iii) sự ủng hộ của lãnh đạo bên bán và (iv) quy định pháp luật mà bên mua có thể lựa chọn các phương thức thâu tóm khác nhau hoặc trong một số trường hợp bên bán có thể kết hợp nhiều phương thức thâu tóm để đạt được mục đích của mình.

 

Lưu ý: Trong bài có đề cập đến công ty đại chúng và công ty cổ phần , để tránh nhầm lẫn Luật phúc cầu xin lưu ý như sau:

Công ty đại chúng trước tiên cũng là công ty cổ phần. Theo khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019, quy định về công ty đại chúng như sau:
– Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
+ Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
+ Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.

Tuy có những điểm khác biệt nhưng việc thâu tóm công ty đại chúng và công ty cổ phần cũng có những điểm chung cơ bản, với những điểm khác biệt, bài viết đã cố gắng chia tách từng trường hợp nhất định.

 

Trên đây là những vấn đề về Các phương thức thâu tóm công ty cổ phần”. Để được tư vấn chi tiết hơn về M&A và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng /./

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *