? ÁN LỆ SỐ 37/2020/AL ? Về hiệu lực của Hợp Đồng Bảo Hiểm Tài Sản trong trường hợp Bên Mua Bảo Hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm

Trong thực tế xảy ra trường hợp Bên Mua Bảo Hiểm chậm đóng phí bảo hiểm nhưng bên Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn nhận phí bảo hiểm và không có ý kiến gì. Sau đó sự kiện bảo hiểm xảy ra. Trong trường hợp này, Hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực thi hành hay không? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài tổng hợp Án lệ số 37/2020/AL sau đây của Luật Phúc Cầu.

1. Nguồn án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 28/2018/KDTM-GĐT ngày 26/06/2018 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” tại tỉnh Đồng Nai giữa các bên:
 
• Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn N;
• Bị đơn: Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P;
• Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Công ty bảo hiểm P1, Ngân hàng thương mại cổ phần V, Công ty cổ phần giấy S.

 2. Khái quát nội dung án lệ

– Tình huống án lệ:
Sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm mới đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không có ý kiến gì, không có văn bản thông báo cho bên mua bảo hiểm về việc chấm dứt hợp đồng mà vẫn nhận phí bảo hiểm, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về khoản tiền đóng phí bảo hiểm. Sau đó, sự kiện bảo hiểm xảy ra.
– Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm.

 3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

• Bộ luật Dân sự 2005, các điều:
– Điều 285 quy định Thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự (tương ứng với Điều 278 Bộ luật Dân sự 2015);
– Điều 287 quy định Hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự (tương ứng với Điều 354 Bộ luật Dân sự 2015);
 
• Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), các điều:
– Điều 15 quy định Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm;
– Điều 23 quy định Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

4. Tóm tắt nội dung vụ án

? Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
 
Công ty trách nhiệm hữu hạn N (gọi tắt là Công ty N) được thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 3600686844 ngày 29/07/2004 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, được đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 04/09/2015.
Công ty N là bên được bảo hiểm và Công ty bảo hiểm P1 (gọi tắt là Bảo hiểm P1) là bên bảo hiểm cùng ký kết 07 hợp đồng bảo hiểm nồi hơi và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng:
– Hợp đồng bảo hiểm nồi hơi số P-15/ĐNI/XCG/3201/0005 ngày 24/03/2015;
– Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng số P-15/DNI/XCG/3303/0009, ngày 24/3/2015;
– Hợp đồng bảo hiểm nồi hơi số P-15/DNI/XCG/3201/0006 ngày 26/03/2015;
– Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng số P-15/ĐNI/XCG/3303/0010 ngày 26/3/2015;
– Hợp đồng bảo hiểm nồi hơi số P-15/ĐNI/XCG/3201/0007 ngày 30/09/2015;
– Hợp đồng bảo hiểm nồi hơi số P-15/ĐNI/XCG/3201/0008 ngày 30/09/2015;
– Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng số P-15/ĐNI/XCG/3303/0057, ngày 30/09/2015.
 
Vào khoảng 00 giờ 30 phút, ngày 13/11/2015, tại Công ty giấy S xảy ra sự cố nổ lò hơi số 3, gây ra thiệt hại.
Vào lúc 10 giờ 00 phút, ngày 13/11/2015, Bảo hiểm P và Công ty N đã lập Biên bản hiện trường/làm việc. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã trưng cầu giám định nguyên nhân dẫn đến sự cố. Đến ngày 13/01/2016, đã có Bản kết luận giám định số 3548/C54B của Phân Viện Khoa học hình sự (C54B) – Bộ Công an, thể hiện tại 03 văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng ngày 26/01/2016.
Kết luận nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật, không có dấu hiệu tội phạm xảy ra.
 
Bảo hiểm P1 chỉ định Công ty cổ phần giám định B, địa chỉ: 2.5 P, phường B, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giám định tổn thất sự cố nổ lò hơi số 3. Việc giám định thực hiện trong các ngày 17, 18, 19, 20 và 28/11/2015, thể hiện bằng các biên bản ghi nhận hiện trường và đã xác định được phần thiệt hại.
Công ty N đã tổng hợp và gửi số liệu yêu cầu Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 bồi thường.
 
? Về phía Bảo hiểm P:
 
Không đồng ý bồi thường trách nhiệm vật chất đối với lò hơi số 3 và trách nhiệm bảo hiểm công cộng đối với người, tài sản bên thứ ba cho Công ty N vì phủ nhận hiệu lực Hợp đồng số 0006 và Hợp đồng số 0010, thể hiện qua Công văn số 13 0/P-DNI-CV, ngày 24/11/2015 của Bảo hiểm P1; phủ nhận thêm hiệu lực hợp đồng số 0005 và hợp đồng số 0009 qua Công văn số 136/P-DNI-CV, ngày 01/12/2015. Ngày 26/11/2015, Công ty N gửi công văn số 01/2015/PHTT-NTN-PHCO ĐN cho Bảo hiểm P phúc đáp không chấp nhận nội dung từ chối trách nhiệm bảo hiểm của Bảo hiểm P và yêu cầu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Bảo hiểm P tiếp tục từ chối bồi thường bằng Công văn số 135/P-DNI-CV, ngày 01/12/2015 với lý giải: Công ty N phải thanh toán phí bảo hiểm trước ngày 01/05/2015 nhưng đến thời điểm ngày 07/05/2015 Bảo hiểm P1 mới nhận Phi bảo hiểm, căn cứ vào Điều khoản thanh toán trong các Hợp đồng này đã chấm dứt hiệu lực vào ngày 01/05/2015, trước thời điểm xảy ra tổn thất ngày 13/11/2015 nên không thuộc trách nhiệm bảo hiểm của Bảo hiểm P. Không đồng ý đối với việc từ chối trách nhiệm bảo hiểm của Bảo hiểm P, ngày 02/12/2015 Công ty N đã gửi đơn khiếu nại đến Bảo hiểm P.
Bảo hiểm P từ chối bồi thường với lý do trên hoàn toàn không có căn cứ.
 
? Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng Thương mại cổ phần V do bà Hà Thị Thanh H đại diện theo ủy quyền trình bày:
 
Ngày 08/05/2013, Công ty N (sau đây viết tắt là: khách hàng) có thế chấp tài sản cho Ngân hàng TMCP V – Chi nhánh B (sau đây viết tắt là Ngân hàng) là hệ thống lò hơi lắp đặt tại Công ty cổ phần H, theo hợp đồng thế chấp tài sản số 069/13/VCB.BH ngày 08/05/2013. Hệ thống lò hơi lắp đặt tại Công ty cổ phần H đã được khách hàng mua bảo hiểm.
Ngày 01/10/2014, Công ty N có thế chấp tài sản cho Ngân hàng là hệ thống lò hơi lắp đặt tại Công ty TNHH MTV giấy S (Lò 2), theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 207/14/VCB.BH ngày 01/10/2014. Hệ thống lò hơi số 2 đạt tại Công ty giấy S đã được khách hàng mua bảo hiểm.
Ngày 06/02/2015, Công ty N có thế chấp tài sản cho Ngân hàng là Hệ thống lò hơi lắp đặt tại Công ty TNHH MTV Giấy S (Lò 3), theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 055/15/VCB.BH, ngày 06/02/2015. Hệ thống lò hơi số 3 đặt tại Công ty Giấy S đã được khách hàng mua bảo hiểm.
 
+ Các tài sản trên được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay của Công ty N tại Ngân hàng TMCP V – Chi nhánh B theo các Hợp đồng tín dụng.
Ngày 16/11/2015, Ngân hàng đã xuống hiện trường vụ việc thực tế và làm việc với Công ty N (chi tiết theo Biên bản làm việc ngày 16/11/2015). Ngân hàng yêu cầu phía khách hàng cung cấp chi tiết tình trạng tài sản thế chấp, đồng thời tích cực triển khai làm việc với bên Công ty bảo hiểm P1 để được bồi thường thiệt hại do sự cố trên gây ra.
Ngày 11/10/2016, TAND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 50/2016/KDTM-ST.
Ngày 20/10/2016, bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Ngày 06/3/2017, TAND tỉnh Đồng Nai ban hành bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 01/2017/KDTM-PT.
 
? Sau Khi xét xử phúc thẩm, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P có đơn đề nghị xem xét Bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

 5. Nội dung án lệ

Nội dung án lệ trích từ đoạn 4, 5 phần Nhận định của Tòa Án trong Quyết định giám đốc thẩm số 28/2018/KDTM-GĐT ngày 26/6/2018, cụ thể như sau:
 
“[4]… Sau Khi nhận được tiền phí bảo hiểm của Công ty N, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 không có ý kiến gì và cũng không có văn bản thông báo về việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm thì hai Hợp đồng trên đã không còn hiệu lực từ ngày 01-5-2015, mà Bảo hiểm P1 vẫn nhận, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về hai khoản tiền đóng bảo hiểm này của Công ty N, nên mặc nhiên Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 thừa nhận việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm của Công ty N và thừa nhận hai hợp đồng bảo hiểm trên có hiệu lực Thi hành.
[5] Do đó, Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải có trách nhiệm bồi thường theo Hợp đồng giữa hai bên đã ký kết.”
 
6.Sự cần thiết ban hành án lệ
 
Trên thực tế, các trường hợp tương tự vụ việc này khá phổ biến. Trong đa số các trường hợp, Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chấp nhận bồi thường khi mà họ đã nhận phí bảo hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp thiệt hại quá lớn, việc trốn tránh trách nhiệm bồi thường như Bảo hiểm P1 trong vụ việc này cũng không hề hiếm. Án lệ 37 đã nêu ra giải pháp pháp lý rõ ràng, có căn cứ và phù hợp để giải quyết các trường hợp tương tự, giúp cho quyền lợi của bên mua bảo hiểm được bảo vệ, các Doanh nghiệp bảo hiểm có căn cứ để thực hiện việc bồi thường (đôi khi các Doanh nghiệp bảo hiểm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ bồi thường, bởi vì nếu bồi thường một cách thiếu căn cứ, Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không được các doanh nghiệp đồng, tái bảo hiểm chia sẻ rủi ro, đôi khi thiệt hại phải bồi thường là quá lớn và tài chính của một mình Doanh nghiệp bảo hiểm không đủ thực hiện việc bồi thường).

7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ

Trường hợp hình thành nên án lệ là khi BLDS 2005 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi năm 2010 có hiệu lực. Tuy nhiên vẫn áp dụng đối với các trường hợp tương tự xảy ra khi BLDS 2015 và luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2019 có hiệu lực.
 
Đối tượng mua bảo hiểm trong vụ án hình thành án lệ là Doanh nghiệp, trường hợp tương tự cũng áp dụng cho cá nhân mua bảo hiểm.
Về loại bảo hiểm, có thể áp dụng đối với bảo hiểm nhân thọ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *