VỢ/CHỒNG CÓ ĐƯỢC QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG BÁN ĐẤT KHÔNG?

Câu hỏi pháp lý: Thưa Luật sư, năm 2015 vợ chồng tôi kết hôn, sau đó bố mẹ chồng và bố mẹ ruột của tôi quyết định mỗi nhà sẽ cho 500 triệu để làm vốn cho vợ chồng tôi. Cuối năm đó, vợ chồng tôi quyết định mua một mảnh đất. Tuy nhiên, đến nay do thua nợ cờ bạc nên chồng tôi đã tự ý bán mảnh đất đó mà không được sự đồng ý của tôi. Vậy cho tôi hỏi là chồng tôi có được đơn phương bán mảnh đất đó không?

Giải đáp: Cảm ơn câu hỏi của bạn gửi đến Luật Phúc Cầu. Để giải đáp vấn đề của bạn, chúng tôi xin mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Luật Đất đai năm 2013
  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm việc chuyển quyền quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện
  • Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình

Khái quát: Việc vợ, chồng đơn phương bán đất mà không có sự bàn bạc, thảo luận với người còn lại là hành vi có thể dẫn đến nhiều tranh chấp. Muốn biết vợ, chồng có được đơn phương bán đất mà không cần sự đồng ý của người còn lại hay không, trước tiên cần xác định mảnh đất đó có phải tài sản chung giữa vợ chồng hay là tài sản riêng của người bán đất?

1. Chế độ tài sản giữa vợ chồng

Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.[1] 

  • Chế độ tài sản theo thỏa thuận

Trường hợp hai vợ chồng tự thỏa thuận về tài sản chung và tài sản riêng giữa hai người thì những thỏa thuận này cần phải tuân thủ theo Điều 47, 48, 49, 50 và 59 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.

  • Chế độ tài sản theo luật định

Trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận thì vấn đề tài sản của vợ chồng sẽ được pháp luật điều chỉnh.

Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

1, Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

……

3, Trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Ngoài tài sản chung, trong thời kỳ hôn nhân, tài sản riêng của vợ, chồng gồm:

“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng”[2]

Căn cứ vào quy định của pháp luật có thể thấy ở tình huống của chị có thể xảy ra hai trường hợp:

  • Trường hợp không xác định số tiền mà hai bên gia đình cho là cho riêng vợ hoặc chồng thì số tiền đó sẽ là tài sản chung của hai anh chị. Từ đó, mảnh đất được mua từ tiền chung – đó cũng sẽ được xem là tài sản chung của hai anh chị.
  • Trường hợp xác định được số tiền mua đất được cho riêng chồng chị thì đây là tài sản riêng của chồng chị. Tương tự, nếu tiền đó được cho riêng chị thì đất mua được là tài sản riêng của chị

2. Có được đơn phương bán đất trong thời kỳ hôn nhân hay không?

2.1   Đất là tài sản riêng của vợ, chồng

Căn cứ Điều 44 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, trong trường hợp đất là tài sản riêng của vợ, chồng thì người sở hữu có quyền đơn phương bán mà không cần thông qua sự đồng ý của người còn lại, ngoại trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức có được từ mảnh đất là nguồn sống duy nhất của gia đình.

Đối với trường hợp của chị, nếu đất là tài sản riêng của chồng chị thì chồng chị có quyền đơn phương bán mảnh đất, trừ trường hợp mảnh đất đó sinh ra hoa lợi, lợi tức là nguồn sống chính của gia đình. Nếu mảnh đất đó là tài sản của riêng chị thì chồng chị hoàn toàn không có quyền bán mảnh đất.

2.2   Đất là tài sản chung của vợ, chồng

Căn cứ Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

Theo đó, có thể kết luận:

  • Trong trường hợp đất là tài sản chung của vợ, chồng thì khi muốn bán đất cần có sự thỏa thuận giữa hai người.
  • Sự thỏa thuận về việc bán đất phải được lập thành văn bản.

Bên cạnh đó, Theo Điều 213 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp người vợ/chồng thực hiện bán đất không phải đại diện cho người còn lại thì khi thực hiện giao kết hợp đồng cần có chữ ký của cả hai vợ chồng.

Căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy nếu đất là tài sản chung của hai vợ chồng chị thì việc chồng chị bán mảnh đất mà không cho chị biết đã vi phạm các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.

3. Cách để chị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp đất là tài sản chung của hai vợ chồng

3.1. Thể hiện sự phản đối

Đầu tiên, nếu chị thực sự không muốn bán mảnh đất trên thì sẽ phải thể hiện sự phản đối của mình một cách rõ ràng, chị cũng không được sử dụng số tiền bán đất.

Nếu chị sử dụng khoản tiền có được từ việc bán đất thì sẽ rơi vào trường hợp “Vợ, chồng tự ý xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung, chồng, vợ họ không biết, nhưng khi biết lại cùng tham gia giao dịch”. Khi đó, theo án lệ số 04/2016/AL về trường hợp chỉ một người đứng tên hợp đồng mua bán đất là tài sản chung của cả hai vợ chồng, nhưng sau khi ký kết hợp đồng người còn lại biết và cùng thực hiện hợp đồng thì hợp đồng mua bán này vẫn có hiệu lực pháp luật. Chính vì vậy chị cần thể hiện rõ ràng sự phản đối việc bán mảnh đất của chồng.

3.2. Yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch bán đất vô hiệu

Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

“Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu”.

Tùy vào quan điểm của từng tòa mà giao dịch trên có thể bị tuyên bố vô hiệu một phần, hoặc vô hiệu toàn bộ.[3] Sau khi giao dịch bán đất của chồng chị bị tuyên bố vô hiệu việc xử lý tài sản sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự.

4. Tổng kết

Hành vi tự ý bán đất của chồng chị trong trường hợp này là hành vi vi phạm pháp luật, chị hoàn toàn có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình thông qua việc yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch bán đất này vô hiệu.

 

[1] Khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

[2] Khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

[3] Đỗ Văn Đại. (2008). “Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án”. Nxb. Chính trị Quốc gia.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *