Hợp đồng Lao động điện tử có giá trị pháp lý không?

Cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, việc giao kết hợp đồng thông qua các phương tiện điện tử đang ngày càng được ưa chuộng. Đặc biệt, phương thức này thường phổ biến đối với việc giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn ngờ vực về giá trị pháp lý của loại hợp đồng lao động điện tử. Bài viết này sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý khách hàng hiểu rõ hơn về loại hợp đồng này.

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ Luật lao động năm 2019;
  • Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

1. Hợp đồng lao động điện tử là gì?

Trước hết, hợp đồng lao động được định nghĩa tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động 2019 như sau:

“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”

Bên cạnh đó, Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”

Trong đó, thông điệp dữ liệu chính là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

Để hình dung rõ hơn về HĐ điện tử, quý KH có thể xem thêm Sự khác biệt giữa Hợp Đồng Điện Tử và Hợp Đồng Giấy dưới đây:

Tiêu chí

Hợp đồng điện tử

Hợp đồng giấy truyền thống

Căn cứ pháp lý

– Luật Giao dịch điện tử 2005 và BLDS 2005

–  BLDS 2015

Phương thức giao dịch

Sử dụng phương tiện điện tử để có thể giao dịch

Được ký bằng chữ ký điện tử, chữ ký số USB Token, chữ ký số HSM …

Giao dịch bằng văn bản

+ Bằng lời nói

+ Bằng hành động

+ Các hình thức khác dựa trên sự thỏa thuận

Nội dung

Ngoài các nội dung như Hợp đồng giấy, các bên có thể thỏa thuận về:

+ Yêu cầu kỹ thuật

+ Chứng thực chữ ký số/điện tử

+ Điều kiện đảm bảo sự toàn vẹn

+ Đối tượng hợp đồng

+ Số lượng, chất lượng

+ Giá cả, phương thức thanh toán

+ Địa điểm, thời hạn, phương thức hợp đồng thực hiện

+  Quyền, nghĩa vụ các bên

+  Trách nhiệm do vi phạm

+  Phương thức các bên áp dụng để giải quyết tranh chấp

 

Theo đó, căn cứ vào hai thuật ngữ trên, Hợp Đồng Lao Động Điện Tử là sự thoả thuận giữa hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) về việc làm có trả công, trong đó quy định điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động và Hợp đồng được tạo ra, gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

Trong đó, phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự. Hình thức của thông điệp dữ liệu có thể được biểu hiện dưới dạng trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác (Điều 10 Luật Giao dịch điện tử 2005).

Như vậy, có thể thấy rằng, ngoài việc ký kết hợp đồng lao động theo hình thức văn bản truyền thống thì người lao động và người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử và thực hiện ký kết bằng chữ ký điện tử.

2. Giá trị pháp lý của hợp đồng lao động điện tử

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019: “…Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản…”

Ngoài ra, giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử cũng được thừa nhận tại Điều 33 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 như sau:

“Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

Như vậy, hợp đồng lao động điện tử hoàn toàn có giá trị pháp lý như hợp đồng lao động bằng văn bản thông thường.

3. Điều kiện để hợp đồng lao động điện tử hợp pháp

Để hợp đồng lao động điện tử có hiệu lực hợp pháp, bên cạnh việc đáp ứng điều kiện về hợp đồng theo quy định của BLDS, BLLĐ mà người lao động và người sử dụng lao động cần đáp ứng các điều kiện của văn bản điện tử và chữ ký số được sử dụng, cụ thể theo quy định tại Điều 13 Luật Giao dịch điện tử 2015 như sau:

“Điều 13. Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc

Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

1.Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh.

Nội dung của thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;

2. Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.”

Ngoài ra, khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP giải thích “Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác.

Do đó, khi giao kết hợp đồng lao động điện tử, các chủ thể cần lưu ý về điều kiện để thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc và chữ ký số của mình để đảm bảo hợp đồng có giá trị pháp lý.

  • Lưu ý: Mặc dù hợp đồng lao động điện tử có nhiều ưu điểm trong việc ký kết linh hoạt, nhanh chóng, thuận tiện hơn so với hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, người lao động và người sử dụng lao động cần phải lưu ý về việc xác thực chứng thư số trên hợp đồng. Trường hợp chứng thư hết hạn, chứng thư giả có thể khiến các bên tham gia gặp trở ngại khi có tranh chấp phát sinh. Vì vậy, các bên đều cần phải kiểm tra chứng thư số cẩn thận để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng lao động cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *