Ly hôn là một trong những quyền của mỗi người khi không thể chung sống trên quan hệ hôn nhân với người khác. Tuy nhiên, đây là quyền nhân thân nên không thể uỷ quyền cho bên thứ ba thực hiện. Vậy, đối với trường hợp một bên bị mất năng lực hành vi dân sự (không thể tự thực hiện hành vi) thì thủ tục như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ trình bày cho Quý khách hàng về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ Luật Dân sự năm 2015.
- Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH về miễn, giảm, thu, nộp án phí.
1. Quy định của pháp luật về người mất năng lực hành vi dân sự
Theo quy định tại Điều 22 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
– Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
– Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
– Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
2. Có được ly hôn với người mất năng lực hành vi dân sự không?
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2.Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Như vậy, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người kia bị mất năng lực hành vi dân sự.
3. Thủ tục ly hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự
Bước 1: Yêu cầu Toà án tuyên bố người vợ/chồng mất năng lực hành vi dân sự (nếu chưa được Toà tuyên án mất năng lực hành vi dân sự)
Nội dung đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn;
– Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
– Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
– Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
– Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
– Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu Tòa án sẽ giám định pháp y tâm thần; đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Sau khi thụ lí đơn, tòa án sẽ tiến hành mở phiên họp xem xét có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của chị. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu, tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Bước 2: Toà án chỉ định người giám hộ cho vợ/ chồng bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự
Theo quy định, khi vợ/chồng bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì người còn lại sẽ là người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự. Nhưng khi ly hôn, trong trường hợp này, vợ/chồng không thể đại diện cho bên còn lại, bởi có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ. Khi có đơn xin ly hôn, Tòa án sẽ chỉ định người đại diện theo quy định tại Điều 46, 47, 48, 49, 50 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn
Người có yêu cầu cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
– Đơn xin ly hôn với người mất năng lực hành vi dân sự (viết tay hoặc đánh máy). Đơn này phải đúng theo quy định của từng Toà.
– Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự;
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);
– Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (bản sao chứng thực);
– Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú của hai vợ chồng (bản sao chứng thực);
– Giấy khai sinh của các con (bản sao chứng thực);
– Các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan (đăng ký xe; sổ tiết kiệm; GCNQSDĐ; bản tự khai của con trên 7 tuổi,…).
Bước 4: Nộp hồ sơ khởi kiện xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện thông qua các phương thức sau:
– Trực tiếp nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền.
– Nộp hồ sơ ly hôn thông qua dịch vụ bưu chính (Bưu điện ).
Toà án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú và làm việc có thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn với người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Bước 5: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ và nhận kết quả xử lý đơn
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, thẩm phán Tòa án được phân công giải quyết sẽ ra thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng lệ phí ly hôn.
Bước 6: Nộp tiền tạm ứng án phi dân sự sơ thẩm
Tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Sau đó, nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí đơn phương cho Tòa án. Cụ thể, mức án phí được quy định như sau:
– Nếu ly hôn không có giá ngạch tức là ly hôn mà hai vợ, chồng đã thỏa thuận được về việc phân chia tài sản và không yêu cầu Tòa án phân chia hoặc yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc khi hai vợ, chồng không có tài sản chung để phân chia (không có giá ngạch): 300.000 đồng.
– Nếu ly hôn có giá ngạch tức là trong vụ việc ly hôn, vợ, chồng yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung, nợ chung… thì mức tạm ứng án phí, lệ phí được tính theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH về miễn, giảm, thu, nộp án phí.
Điểm khác biệt khi Ly hôn đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự là sau khi thụ lý, Tòa án sẽ tiến hành đưa vụ án ra xét xử mà không qua thủ tục hòa giải như các vụ án ly hôn thông thường theo Khoản 3 Điều 207 BLTTDS.
Như vậy, Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án và ra thông báo thụ lý vụ án.
Bước 7: Tòa án sẽ triệu tập lấy lời khai và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật
Trường hợp, Tòa án không chấp thuận yêu cầu ly hôn, người yêu cầu ly hôn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.