TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG VIỆC LÀ GÌ? CÁC TRƯỜNG HỢP TẠM ĐÌNH CHỈ CÔNG VIỆC

Tạm đình chỉ công việc là một trong các biện pháp đối với người lao động trong một số trường hợp được quy định trong Bộ luật lao động 2019. Đây không phải là hình thức kỷ luật lao động và cũng không phải là thủ tục bắt buộc đối với người sử dụng lao động khi xử lý kỷ luật người lao động. Vậy tạm đình chỉ công việc là gì? Trong trường hợp nào được áp dụng tạm đình chỉ công việc? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp thêm thông tin cho Quý khách hàng về vấn đề này.

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Lao động năm 2019;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

1. Tạm đình chỉ công việc là gì?

Khái niệm tạm đình chỉ công việc chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ văn bản pháp luật nào, nhưng Bộ luật Lao động năm 2019 đã đưa ra quy định về vấn đề này như sau:

Điều 128. Tạm đình chỉ công việc

Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

Dựa vào quy định trên, có thể hiểu rằng tạm đình chỉ công việc là trường hợp người lao động phải ngừng việc tạm thời để điều tra, xác minh những vụ vi phạm kỉ luật lao động phức tạp mà người lao động đó là đương sự, do người sử dụng lao động áp dụng theo quy định của pháp Luật. Đây chỉ là một giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng lao động xác minh chính xác vi phạm mà người lao động gây ra khi mà vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, nếu để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác định vi phạm.

Lưu ý: Tạm đình chỉ công việc không phải là một hình thức kỷ luật lao động cũng như không phải thủ tục bắt buộc khi người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động.

2. Các trường hợp người lao động bị tạm đình chỉ công việc

Theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật lao động năm 2019, người sử dụng lao động chỉ có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động trong 01 trường hợp là khi người lao động vi phạm nội quy lao động.

Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Vụ việc vi phạm kỷ luật lao động có những tình tiết phức tạp.

– Nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.

– Chỉ được tạm đình chỉ công việc của người lao động sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người đó là thành viên.

3. Thời hạn tạm đình chỉ công việc đối với người lao động

Căn cứ khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 , thời hạn tạm đình chỉ công việc đối với người lao động không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Khi hết thời hạn nói trên, người lao động phải được nhận trở lại làm việc.

Trường hợp tạm đình chỉ công việc quá thời hạn quy định, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động theo điểm e khoản 2 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

e) Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;”

Theo đó, người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 05 – 10 triệu đồng, còn người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi từ 10 – 20 triệu đồng (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022).

4. Quyền lợi mà người lao động được hưởng khi tạm đình chỉ công việc

– Đối với trường hợp tạm đình chỉ công việc của người lao động thì trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động vẫn được tạm ứng 50% tiền lương. Sau khi có kết luận người lao động có vi phạm và bị xử lý kỷ luật lao động thì công ty không phải trả nốt 50% còn lại tuy nhiên người lao động cũng không phải hoàn trả 50% tiền lương đã tạm ứng.

– Trường hợp không chứng minh được lỗi vi phạm của người lao động thì công ty có trách nhiệm trả nốt 50% tiền lương còn lại trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

– Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

– Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Người bị tạm đình chỉ công việc nếu thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *