HỢP ĐỒNG ĐẠI DIỆN CHO THƯƠNG NHÂN

Trong đời sống, quan hệ đại diện có thể được thiết lập trong nhiều lĩnh vực – từ các hoạt động kinh tế đến giao dịch dân sự thông qua hai hình thức: đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, thoả thuận đại diện cho thương nhân là một hợp đồng phổ biến. Vậy hợp đồng đại diện cho thương nhân được quy định như thế nào? Trong bài viết sau, Luật Phúc Cầu sẽ làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng này.

️? Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Luật thương mại 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2017, 2019 (Luật Thương mại);

1.Hợp đồng đại diện cho thương nhân là gì?

Trước hết, đại diện cho thương nhân được xem là một loại hình đại diện. Việc đại diện được quy định theo Bộ luật dân sự năm 2015 như sau: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Luật Thương mại “Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện.”

⇒ Như vậy, đại diện cho thương nhân là một dạng của đại diện theo uỷ quyền được thực hiện trong hoạt động thương mại và là một trong các hình thức trung gian thương mại được quy định trong Luật Thương mại 2005. Hợp đồng đại diện cho thương nhân chính là văn bản pháp lý nhằm xác lập mối quan hệ giữa các chủ thể với nhau trong hoạt động này.  

2.Chủ thể của hợp đồng đại diện cho thương nhân

Theo như phân tích trên, hợp đồng đại diện cho thương nhân bao gồm 2 chủ thể chính là Bên Giao Đại Diện và Bên Đại Diện. Cả hai bên phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:

  • Đều phải là thương nhân
  • Có đăng ký kinh doanh phù hợp với hàng hoá, dịch vụ được cung cấp cũng như công việc được thực hiện.
  • Bên Đại Diện có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh Người Được Đại Diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với Bên Thứ Ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người Đại Diện phải thông báo cho Bên Giao Dịch biết về phạm vi đại diện của mình. (Điều 141 Bộ luật dân sự 2015)

3.Đặc điểm của hợp đồng đại diện cho thương nhân

* Hợp đồng đại diện cho thương nhân vừa là một dạng của hợp đồng trung gian thương mại vừa là một dạng của hợp đồng ủy quyền nên hợp đồng đại diện cho thương nhân mang đầy đủ các đặc điểm của hai loại hợp đồng trên.

Thứ nhất, nội dung của hợp đồng do các bên tự thoả thuận. Pháp luật thương mại hiện nay không có quy định các nội dung cơ bản của hợp đồng đại diện cho thương nhân, do đó các bên phải tự thoả thuận nhưng phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự. Cụ thể, Các bên có thể thỏa thuận vê việc Bên Đại Diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của Bên Giao Đại Diện, quyền và nghĩa vụ của các bên, phạm vi đại diện, thời hạn, thù lao,…

Thứ hai, về hình thức, hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được thành lập văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Đây là quy định bắt buộc tại Điều 142 Luật Thương mại năm 2005. Việc lập hợp đồng thành văn bản là một quy định hợp lý để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Hình thức khác có giá trị tương đương như điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu (là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử) và các hình thức thông tin điện tử khác.

Thứ ba, về điều kiện của chủ thể, chủ thể của hợp đồng phải là các thương nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, trong hợp đồng đại diện cho thương nhân, Bên Đại Diện là một thương nhân độc lập, hoạt động kinh doanh, thương mại độc lập với Bên Giao Đại Diện. Do đó, giữa thương nhân và chi nhánh hay văn phòng đại diện của mình không thể giao kết hợp đồng đại diện cho thương nhân. Hơn nữa, các đơn vị phụ thuộc của thương nhân như chi nhánh, văn phòng đại diện hay cửa hàng, trung tâm, phòng ban của một doanh nghiệp không thể được coi là một bên chủ thể hợp đồng đại diện cho thương nhân vì đây là những đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, chứ không phải thương nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp thương nhân cử người của mình (cấp dưới của thương nhân) để làm đại diện cho mình thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự quy định về đại diện theo uỷ quyền.

Thứ tư, Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cung ứng dịch vụ cho khách hàng, bên đại diện nhân danh bên giao đại diện chứ không nhân danh chính mình. Bản chất của quan hệ đại diện cho thương nhân là quan hệ ủy quyền trong dân sự. Vì thế, khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với khách hàng, bên đại diện nhân danh bên giao đại diện chứ không nhân danh chính mình. Hợp đồng do bên đại diện thiết lập với khách hàng trong phạm vi thẩm quyền đại diện trực tiếp mang lại quyền, nghĩa vụ pháp lí cho bên giao đại diện.

Như vậy, bên giao đại diện vừa là chủ thể của hợp đồng đại diện với bên đại diện, vừa là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cung ứng dịch vụ với khách hàng.

Thứ năm, về việc chấm dứt hợp đồng và thù lao, trường hợp không có thoả thuận, thời hạn đại diện chấm dứt khi một trong các bên thông báo về việc chấm dứt hợp đồng đại diện cho thương nhân.

Bên Đại Diện được hưởng thù lao đối với hợp đồng được giao kết trong phạm vi đại diện. Quyền được hưởng thù lao phát sinh từ thời điểm do các bên thoả thuận trong hợp đồng đại diện. Nếu các bên không có sự thỏa thuận khác thì việc giải quyết thù lao giữa các bên khi phát sinh vấn đề đơn phương chấm dứt hoạt động đại diện cũng được quy định như sau:

  • Nếu Bên Đại Diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện thì Bên Đại Diện bị mất quyền hưởng thù lao đối với các giao dịch mà đáng lẽ mình được hưởng.
  • Nếu Bên Giao Đại Diện đơn phương thông báo chấm dứt hợp đồng đại diện thì Bên Đại Diện có quyền yêu cầu Bên Giao Đại Diện trả một khoản thù lao do việc Bên Giao Đại Diện giao kết các hợp đồng với khách hàng mà Bên Đại Diện đã giao dịch và những khoản thù lao khác mà đáng lẽ mình được hưởng.

4.Phạm vi, thời hạn đại diện cho thương nhân

Thứ nhất, về phạm vi đại diện, theo quy định tại Điều 143 Luật thương mại năm 2005, phạm vi đại diện có thể là một phần hoặc toàn bộ hoạt động thương mại trong khuôn khổ phạm vi hoạt động của Bên Được Đại Diện. Việc xác định phạm vi này được thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên.

Thứ hai, về thời hạn đại diện cho thương nhân, can cứ theo quy định tại Điều 144 Luật Thương mại 2005, thời hạn đại diện cho thương nhân được xác định như sau:

– Đối với những trường hợp mà các bên đã có sự thỏa thuận về thời hạn thì thời hạn để thực hiện đại diện cho thương nhân sẽ được xác định tuân theo sự thỏa thuận của các bên.

– Trường hợp các bên không có sự thỏa thuận về thời hạn, thì việc chấm dứt đại diện cho thương nhân sẽ phát sinh như sau:

+ Xuất phát từ ý chí đơn phương muốn chấm dứt của bên được đại diện thông qua việc Bên Thương Nhân Đại Diện nhận được thông báo về việc chấm dứt đại diện từ Bên Thương Nhân Được Đại Diện.

+ Bên Thương Nhân Đại Diện thông báo cho Bên Được Đại Diện về việc chấm dứt hợp đồng.

5.Quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng đại diện cho thương nhân

  • Quyền và nghĩa vụ của Bên Đại Diện:

Căn cứ Điều 145 Luật Thương mại 2005, Bên Đại Diện có các NGHĨA VỤ sau

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có các nghĩa vụ sau đây:

  1. Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện;
  2. Thông báo cho bên giao đại diện về cơ hội và kết quả thực hiện các hoạt động thương mại đã được uỷ quyền;
  3. Tuân thủ chỉ dẫn của bên giao đại diện nếu chỉ dẫn đó không vi phạm quy định của pháp luật;
  4. Không được thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa của mình hoặc của người thứ ba trong phạm vi đại diện;
  5. Không được tiết lộ hoặc cung cấp cho người khác các bí mật liên quan đến hoạt động thương mại của bên giao đại diện trong thời gian làm đại diện và trong thời hạn hai năm, kể từ khi chấm dứt hợp đồng đại diện;
  6. Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hoạt động đại diện.

Bên cạnh đó, Bên Đại Diện được hưởng các QUYỀN như (i) Quyền hưởng thù lao đại diện, (ii) Quyền yêu cầu thanh toán các chi phí phát sinh và (iii) Quyền được cầm giữ tài sản, tài liệu được giao – được quy định lần lượt tại Điều 147, 148 và 149 Luật Thương mại 2005.

  • Quyền và nghĩa vụ của Bên Giao Đại Diện:

            Căn cứ Điều 146 Luật Thương mại 2005 quy định về NGHĨA VỤ của Bên Giao Đại Diện như sau:

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại diện có các nghĩa vụ sau đây:

  1. Thông báo ngay cho bên đại diện về việc giao kết hợp đồng mà bên đại diện đã giao dịch, việc thực hiện hợp đồng mà bên đại diện đã giao kết, việc chấp nhận hay không chấp nhận các hoạt động ngoài phạm vi đại diện mà bên đại diện thực hiện;
  2. Cung cấp tài sản, tài liệu, thông tin cần thiết để bên đại diện thực hiện hoạt động đại diện;
  3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại diện;
  4. Thông báo kịp thời cho bên đại diện về khả năng không giao kết được, không thực hiện được hợp đồng trong phạm vi đại diện.

Bên cạnh đó, về QUYỀN của Bên Giao Đại Diện, hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về quyền của bên giao đại diện. Tuy nhiên, do tính chất của hợp đồng đại diện cho thương nhân là hợp đồng song vụ nên thông qua các nghĩa vụ của bên đại diện, ta có thể xác định được quyền của bên giao đại diện bao gồm các quyền sau:

Quyền không chấp nhận hợp đồng giao dịch do bên đại diện ký không đúng thẩm quyền đại diện theo ủy quyền. Bên giao đại diện có quyền yêu cầu bên đại diện và bên thứ ba đã ký kết giao dịch bồi thường thiệt hại phát sinh nếu bên đại diện và bên thứ ba cố ý xác lập, thực hiện giao dịch vượt quá thẩm quyền đại diện.

Quyền yêu cầu bên đại diện phải cung cấp các thông tin liên quan đến việc thực hiện hoạt động thương mại được ủy quyền theo thỏa thuận trong hợp đồng đại diện.

Quyền đưa ra những chỉ dẫn cho bên đại diện và yêu cầu bên đại diện phải tuân thủ các chỉ dẫn đó.

Bài viết trên đây của Luật Phúc Cầu đã nêu ra khái niệm, đặc điểm về Hợp đồng đại diện cho thương nhân, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mà quý khách hàng cần lưu ý. Trường hợp cần tư vấn về soạn thảo Hợp đồng hay làm hồ sơ khởi kiện, cách xử lí trong trường hợp có tranh chấp giữa hai bên, Quý khách hàng có thể phản ánh tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc gọi đến Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979, Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *