Trong giai đoạn hiện nay, do chịu ảnh hưởng từ những biến động tiêu cực từ nền kinh tế – chính trị toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Các loại hình doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, là nhóm đối tượng chịu nhiều tác động nhất qua những biến động từ thị trường. Đặc biệt, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid – 19, có rất nhiều công ty không thể trụ vững trước các đợt “sóng gió”. Dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế dẫn đến việc các doanh nghiệp phải phá sản hoặc tiến hành các thủ tục giải thể do không thể khắc phục những khó khăn bởi các yếu tố bất lợi mang lại.
Vậy Giải thể doanh nghiệp là gì? Trong trường hợp nào thì doanh nghiệp bị giải thể? Hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm những gì? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ đem đến cho quý khách hàng cái nhìn tổng quát về chủ đề trên.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp 2020 (LDN);
- Luật Quản lý thuế năm 2019;
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;
- Thông tư số 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế;
PHẦN I: Khái niệm, điều kiện giải thể doanh nghiệp
1.Giải thể doanh nghiệp là gì ?
Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, định nghĩa: Giải thể doanh nghiệp “là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để trả nợ cho các chủ nợ”. Giải thể trước hết là hoạt động do doanh nghiệp tiến hành với các công việc chính là: thanh lý tài sản và thanh toán nợ, tiến tới chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp để rút khỏi thị trường. Nhằm bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi doanh nghiệp giải thể, pháp luật quy định điều kiện, thủ tục tiến hành giải thể, bảo đảm cho việc doanh nghiệp chỉ chấm dứt tồn tại và rút khỏi thị trường khi đã hoàn thành các nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình hoạt động.
Như vậy, có thể hiểu: Giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, chấm dứt tư cách pháp nhân và các quyền, nghĩa vụ liên quan của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.
Khác với phá sản, giải thể doanh nghiệp chỉ là một thủ tục hành chính nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, theo ý chí của doanh nghiệp hoặc do cơ quan có thẩm quyền. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất, hữu hiệu nhất một khi chủ sở hữu Doanh nghiệp không muốn doanh nghiệp của mình tồn tại trên thị trường nữa.
2.Các trường hợp giải thể doanh nghiệp
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 207 Luật doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
“Điều 207. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp
- Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:
a) Doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn
b) Doanh nghiệp giải thể theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần
c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
d) Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.Lưu ý, Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”
Từ đó, xét về mặt tính chất, Giải thể doanh nghiệp có 2 trường hợp, đó là giải thể tự nguyện hoặc giải thể bắt buộc.
Trường hợp tự nguyện (đối với 2 trường hợp quy định tại điểm a, b Khoản 1 Điều 207 LDN 2020 nêu trên):
(i) Doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn
(ii) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên và chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
Luật doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận, chủ sở hữu doanh nghiệp vì những lý do khác nhau như lợi nhuận thấp, thua lỗ kéo dài, có mâu thuẫn nội bộ, không còn phù hợp với mục đích kinh doanh đề ra ban đầu,… và nhiều yếu tố khác mà không muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh thì họ hoàn toàn có quyền quyết định việc giải thể doanh nghiệp để thu hồi vốn hoặc chuyển sang kinh doanh những loại hình doanh nghiệp khác với những chủ thể khác. Đây là quyết định hoàn toàn mang tính tự nguyện và chủ động của chủ DN.
Trường hợp bắt buộc, bị cơ quan chức năng yêu cầu giải thể (đối với 2 trường hợp quy định tại điểm c, d Khoản 1 Điều 207 LDN 2020 nêu trên):
(i) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình công ty.
Một trong những điều kiện pháp lý để công ty có thể tồn tại là và hoạt động đó là phải có đủ số lượng thành viên tối thiểu. Đối với mỗi loại hình DN, pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu là khác nhau: đối với công ty cổ phần phải có ít nhất ba cổ đông (điểm b, khoản 1, Điều 111 LDN 2020), công ty hợp danh phải có ít nhất hai thành viên hợp danh (điểm a, khoản 1, điều 177 LDN 2020),… Trong quá trình hoạt động, vì một lý do nào đó mà có sự ra đi của một hoặc một số thành viên dẫn đến công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật. Khi đó, pháp luật không bắt buộc công ty phải giải thể ngay mà dành cho công ty một khoảng thời gian nhất định (06 tháng) để công ty kết nạp thêm thành viên hoặc chuyển đổi loại hình DN. Sau thời gian trên, nếu DN vẫn không đáp ứng yêu cầu, sẽ bị buộc phải giải thể.
(ii) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Người quản lý có liên quan và công ty cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là căn cứ pháp lý ghi nhận sự ra đời, công nhận về mặt pháp lý sự xuất hiện của doanh nghiệp trên thị trường. Khi doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là Nhà nước rút lại sự công nhận tư cách chủ thể kinh doanh đối với doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành thủ tục giải thể.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 Luật doanh nghiệp 2020 về các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm:
“1. DN bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:
a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của LDN 2020 thành lập;
c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
d) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của LDN 2020 đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
đ) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật”.
3.Điều kiện giải thể doanh nghiệp
Giải thể doanh nghiệp là thủ tục pháp lý để chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp. Việc giải thể doanh nghiệp không chỉ liên quan đến nội bộ các thành viên trong công ty mà còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích những người có liên quan khác như đối tác của công ty, chủ nợ hay người lao động. Do đó, việc xác định điều kiện giải thể doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Căn cứ Khoản 2 Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020, điều kiện để giải thể doanh nghiệp là:
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 207 (tức giải thể DN trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy rằng, dù là trường hợp tự nguyện hay bắt buộc, vấn đề quan trọng nhất của giải thể doanh nghiệp là giải quyết những khoản nợ và những hoạt động mà doanh nghiệp đã giao kết chấm dứt tồn tại. Việc quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đáp ứng điều kiện nêu trên – không chỉ tạo ra cơ sở pháp lý để chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn nhằm bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động.
Xem thêm: PHẦN II: Về trình tự và thủ tục Giải thể doanh nghiệp