Theo Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về người đại diện theo pháp luật như sau:
“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 đã cho phép công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật trong công ty. Việc quy định như vậy đã tạo ra nhiều thuận lợi trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cũng mang đến những khó khăn cho doanh nghiệp.
1. Thuận lợi
- Đảm bảo giải quyết công việc nhanh chóng, linh hoạt, đúng tiến độ
So với trước đây khi chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì trong trường hợp người đó bị tạm giữ hoặc không có mặt tại Việt Nam sẽ làm cho tiến độ xử lý công việc bị tạm hoãn hoặc phải đợi thời gian ủy quyền cho người khác để thực hiện. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của công ty, nhất là đối với những công việc có tính cấp bách, yêu cầu xử lý nhanh.
Theo đó, khi có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ tạo ra sự linh hoạt, đáp ứng tiến độ giải quyết công việc một cách nhanh chóng.
- Tận dụng được mọi thời cơ kinh doanh.
Việc có nhiều người đại diện pháp luật sẽ tạo ra nhiều cơ hội giao dịch hợp tác ở nhiều khu vực khác nhau. Với những doanh nghiệp có sự phân chia về nhiều mảng cũng như phát triển linh hoạt ở trong nước và quốc tế, việc có nhiều người đại diện để thực hiện ký kết, điều phối công việc cũng là một lợi thế.
- Phân quyền quản lý và quyết định các vấn đề thường trực của công ty
Việc phân chia quyền quản lý trong công ty sẽ làm giảm tải khối lượng công việc cho người đại diện, tăng hiệu suất xử lý. Đồng thời, tránh việc lạm quyền, bất hợp tác, không thực hiện đúng đủ hoặc sai các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp cũng như các giao dịch với đối tác, khách hàng bên ngoài công ty.
2. Hạn chế
- Sự bất đồng về quyết định giữa những người đại diện theo pháp luật
Việc có nhiều người đại diện theo pháp luật trong công ty sẽ khó tránh khỏi những bất đồng, quan điểm khi quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Chẳng hạn trường hợp một người đại diện theo pháp luật đã ra văn bản phản hồi gửi cho bên có liên quan nhưng một người đại diện khác lại thay đổi và gửi một nội dung khác. Điều này sẽ làm gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp khi không có quyết định nhất quán trong công việc cũng như làm cho bên có liên quan khó xác định được văn bản nào mới có hiệu lực.
- Gây khó khăn cho khách hàng, đối tác trong việc xác định thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật.
Khi công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật, khách hàng cũng như đối tác sẽ khó xác định được ai mới là người có thẩm quyền thực hiện giao dịch với mình. Bởi lẽ trên nội dung giấy đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi nhận tên, chức danh của người đại diện chứ không ghi rõ về thẩm quyền của người đó. Trong khi đó, quyền hạn, nghĩa vụ của người đại diện chỉ được ghi nhận trong Điều lệ công ty, tuy nhiên Điều lệ công ty không phải là nội dung được công khai.
Điều này sẽ làm cho khách hàng hay đối tác không xác định được người có thẩm quyền thực hiện giao dịch với mình dẫn đến sự dè chừng, phân vân trong việc giao kết hợp đồng. Không ít trường hợp khi ký kết với người không đúng thẩm quyền làm cho hợp đồng bị vô hiệu và xảy ra sự tranh chấp pháp lý sau này.
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.