Thủ tục tăng vốn điều lệ hợp tác xã

Hợp tác xã (HTX) là mô hình sản xuất đã có từ lâu đời và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, đây là mô hình kinh tế rất được ưa chuộng vì tạo được nhiều việc làm cho người nông dân, góp phần xây dựng và ổn định xã hội. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn thì Hợp tác xã có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu của Hợp tác xã vào từng thời điểm thích hợp. Vậy thủ tục tăng vốn điều lệ của Hợp tác xã được thực hiện như thê nào? Công ty luật Phúc Cầu sẽ gửi đến Quý khách hàng trong bài viết dưới đây.

1.Cơ sở pháp lý

  • Luật Hợp tác xã 2012;
  • Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT Hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã

2.Hợp tác xã là gì ?

  • Hợp tác xã

Hợp tác xã là mô hình tổ chức kinh tế phổ biến tồn tại và phát triển song hành cùng với các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Hợp tác xã 2011 quy định về Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

  • Liên hiệp Hợp tác xã

Theo Khoản 2 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012, Liên hiệp Hợp tác xã là “là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 Hợp tác xã tự nguyện thành lập và Hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của Hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp Hợp tác xã.”

Theo đó, căn cứ Khoản 1 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2012 thì nhu cầu chung của Hợp tác xã thành viên là nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ giống nhau phát sinh thường xuyên, ổn định từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của Hợp tác xã thành viên. Đối với Hợp tác xã tạo việc làm thì nhu cầu chung của thành viên là nhu cầu việc làm của thành viên trong Hợp tác xã do Hợp tác xã tạo ra.

Khi liên Hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của Liên hiệp Hợp tác xã; doanh nghiệp liên Hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp

  • Vốn điều lệ của Hợp tác, liên hiệp Hợp tác xã là gì?

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Hợp tác xã 2012, Vốn điều lệ là tổng số vốn do thành viên, Hợp tác xã thành viên góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã.

Vốn góp là tiền đồng Việt Nam, các loại tài sản khác được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam bao gồm ngoại tệ, hiện vật, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và các loại giấy tờ có giá tại thời điểm góp vốn.

Giá trị vốn góp bằng các loại tài sản khác được xác định theo nguyên tắc thỏa thuận giữa Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã với thành viên, Hợp tác xã thành viên hoặc thông qua tổ chức thẩm định.

3.Thẩm quyền và cách thức tăng vốn điều lệ hợp tác xã

Căn cứ tại Khoản 3 Điều 4 và Khoản 7 Điều 32 Luật Hợp tác xã thì Vốn điều lệ là tổng số vốn do thành viên, Hợp tác xã thành viên góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đại hội thành viên quyết định Tăng vốn điều lệ, thẩm quyền quyết định và phương thức huy động vốn.

Cách thức tăng vốn điều lệ Hợp tác xã gồm:

  • Đại hội thành viên thực hiện quyết định tăng mức vốn góp tối thiểu;
  • Huy động thêm vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên;

Đối với hai trường hợp trên, trong việc góp vốn của các thành viên thì tài sản có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật hoặc các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Giá trị vốn góp bằng tài sản khác được xác định theo nguyên tắc thoản thuận giữa Hợp tác xã với thành viên hoặc thông qua tổ chức thẩm định.

  • Kết nạp thêm thành viên HTX, liên hiệp HTX.

Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ còn có thể bằng cách kết nạp thêm thành viên, hợp tác xã thành viên mới, đối với trường hợp này thì Hợp tác xã có thể giảm thiểu rủi ro cho các thành viên vừa có thể tăng vốn điều lệ để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp huy động vốn từ thành viên, hợp tác xã thành viên mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì Hợp tác xã có thể huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ để có thể thực hiện tăng vốn hợp tác xã. Cụ thể, hợp tác xã có thể tiếp nhận các khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật:

  • Việc quản lý các khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện như sau:
  • Khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước được tính vào tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
  • Khoản hỗ trợ của Nhà nước phải hoàn lại được tính vào số nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
  • Việc quản lý, sử dụng các khoản trợ cấp, hỗ trợ có yếu tố nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đối tượng được quyền tham gia góp vốn thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

Thành viên hợp tác xã (hay còn gọi là xã viên) góp vốn tham gia bao gồm:

  • Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Hộ gia đình phải có người đại diện theo quy định;
  • Cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.

Lưu ý: Đối với HTX tạo việc làm thì chỉ có cá nhân được đăng ký tham gia góp vốn.

Thành viên liên hiệp HTX (hay hợp tác xã thành viên) tham gia góp vốn bao gồm:

  • Các hợp tác xã thành viên có nhu cầu hợp tác với nhau và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của liên hiệp hợp tác xã;
  • Có đơn đăng ký tham gia và chấp thuận điều lệ của liên hiệp HTX.

Cá nhân, tổ chức, hợp tác xã thành viên có thể đăng ký tham gia góp vốn vào nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

4.Thủ tục tăng vốn điều lệ Hợp tác xã

Khi có thay đổi về vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật của Hợp tác xã phải đăng ký với Cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi Hợp tác xã đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/ 2014/ TT-BKHĐT.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hợp tác xã phải nộp một bộ hồ sơ gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã;
  • Nghị quyết của đại hội thành viên hoặc quyết định của hội đồng quản trị về việc thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Sau khi nộp hồ sơ thì cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi Hợp tác xã đặt trụ sở chính là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc nộp, giải quyết hồ sơ được thực hiện theo trình tự, thủ tục đúng với quy định của pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký Hợp tác xã thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung  đăng ký của Hợp tác xã và cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho Hợp tác xã.

Nếu không thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký của Hợp tác xã thì Cơ quan đăng ký Hợp tác xã phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Hợp tác xã biết.

Bước 3: Trả kết quả

Trên đây là những chia sẽ của Công ty về thủ tục tăng vốn điều lệ Hợp tác xã. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *