Để phù hợp với nhu cầu và định hướng kinh doanh mới, nhiều doanh nghiệp lựa chọn thực hiện việc chuyển đổi loại hình công ty. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp băn khoăn rằng liệu khi thay đổi loại hình doanh nghiệp có cần ký lại hợp đồng lao động với người lao động hay không? Trường hợp công ty muốn sửa đổi/ bổ sung hợp đồng lao động thì cần phải làm gì? Bài viết dưới đây của Luật Phúc sẽ giải đáp thắc mắc trên cho Quý Khách hàng như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật doanh nghiệp năm 2020;
- Bộ luật lao động năm 2019;
- Nghị định số 01/2021/NĐ – CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
2. Có cần ký lại hợp đồng lao động khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp?
Tại Điều 34 Bộ luật lao động 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tạikhoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.”
Đối chiếu với quy định trên, việc công ty chuyển đổi loại hình doanh nghiệp không thuộc các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động và không bắt buộc phải ký lại hợp đồng lao động.
Ngoài ra, theo các quy định của Luật doanh nghiệp 2020, khi chuyển đổi loại hình (từ công ty TNHH sang công ty cổ phần hay ngược lại), Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
Do đó, Công ty chuyển đổi có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với người lao động mà trước đó Công ty được chuyển đổi đã ký kết với người lao động.
Về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được quy định tại Điều 33 Bộ luật lao động 2019 như sau:
“Điều 33. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.”
Với quy định trên, trường hợp công ty muốn sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc và việc này sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.
Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì Công ty ký kết phụ lục hợp đồng lao động/ giao kết hợp đồng lao động mới với người lao động.
Nếu hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký kết.
Trên đây là bài viết của Luật Phúc Cầu. Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ mail pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng.