Thành lập địa điểm kinh doanh – Khi muốn mở rộng quy mô kinh doanh ngoài trụ sở chính, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh. Hiện nay, việc thành lập địa điểm kinh doanh đã không còn giới hạn ở phạm vi cùng tỉnh/thành phố mà còn có thể thành lập ở các tỉnh/thành phố khác nhau. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp thông tin cho Quý khách hàng về hồ sơ, thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh.
1. Địa điểm kinh doanh là gì?
Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Mỗi địa điểm kinh doanh sẽ được cấp một Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh riêng bên cạnh với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động của các địa điểm kinh doanh khác.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp có quyền thành lập địa điểm kinh doanh ở nhiều địa bàn khác nhau trong phạm vi cùng tỉnh (thành phố) hoặc đặt địa điểm kinh doanh ở các tỉnh (thành phố) khác, cụ thể:
- Thành lập địa điểm kinh doanh cùng phường với địa chỉ trụ sở chính;
- Thành lập địa điểm kinh doanh cùng quận với địa chỉ trụ sở chính;
- Thành lập địa điểm kinh doanh cùng tỉnh (thành phố) với địa chỉ trụ sở chính;
- Thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh (thành phố) với địa chỉ trụ sở chính;
2. Trường hợp phải thành lập địa điểm kinh doanh
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 và hướng dẫn của nghị định 01/2021/NĐ-CP, trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại các địa điểm khác nhau thì doanh nghiệp phải đăng ký chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh tại nơi mình đang kinh doanh.
Như vậy, khi phát sinh hoạt động kinh doanh tại một địa điểm khác ngoài trụ sở chính thì doanh nghiệp cần phải đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh.
3. Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Thông báo thành lập địa điểm kinh doanh (Theo mẫu II-1 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
- Văn bản ủy quyền cho người đại diện làm thủ tục và giấy tờ chứng thực cá nhân của người thực hiện thủ tục.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho Phòng đăng ký kinh doanh
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Hình thức nộp hồ sơ: Có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua cổng thông tin điện tử.
Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và giải quyết
Trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp
Bước 4: Nhận kết quả
Khi hồ sơ hợp lệ, người nộp hồ sơ chỉ cần cầm Giấy biên nhận theo để nhận kết quả tại Bộ phận một cửa.
4. Địa điểm kinh doanh có phải nộp thuế môn bài?
Theo Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, địa điểm kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật là một trong những đối tượng phải nộp thuế môn bài. Mức thuế môn bài mà địa điểm kinh doanh phải nộp là 1.000.000 đồng/năm, trong đó:
– Nếu địa điểm kinh doanh mới thành lập trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì sẽ nộp mức thuế môn bài cho cả năm;
– Nếu địa điểm kinh doanh được thành lập trong thời gian 6 tháng cuối năm thì sẽ nộp 50% mức thuế môn bài cả năm.
Lưu ý: Đối với địa điểm kinh doanh được lập cùng tỉnh/thành phố với công ty mẹ thì nơi kê khai, nộp thuế môn bài cũng chính là Chi cục thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, được kê khai cùng với công ty mẹ. Đối với các địa điểm kinh doanh khác tỉnh/thành phố với trụ sở chính sẽ chịu sự quản lý thuế của Chi cục thuế cấp quận nơi địa điểm kinh doanh đặt trụ sở mà không phải là cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và kê khai theo mã số thuế phụ thuộc.
Trên đây là bài viết của Luật Phúc Cầu. Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ mail pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng.