Chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần là một trong những vấn đề được doanh nghiệp quan tâm. Chuyển nhượng cổ phần tạo ra sự năng động, linh hoạt về vốn, giúp cho nguồn vốn có thể được luân chuyển, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có thể thay đổi, điều chỉnh mục tiêu của mình dễ dàng nhưng vẫn giữ được tính ổn định về tài sản của doanh nghiệp. Vậy cổ phần là gì? Hiện nay, việc chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần được thực hiện như thế nào? Có hạn chế nào khi chuyển nhượng cổ phần không?
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng kí doanh nghiệp;
- Luật Chứng khoán năm 2019;
- Luật Quản lý thuế năm 2019;
- Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007;
- Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân;
1. Cổ phần là gì?
Tại điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau: “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”;
Dựa vào quy định trên, có thể hiểu rằng:
– Cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia từ vốn điều lệ của Công ty thành các phần bằng nhau;
– Cổ phần là căn cứ chứng minh tư cách cổ đông của Công ty. Mỗi cổ đông sẽ có quyền và nghĩa vụ khác nhau tùy thuộc vào loại cổ phần và tỉ lệ cổ phần mà họ nắm giữ;
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2020, có 2 loại cổ phần chính đó là:
– Cổ phần phổ thông (bắt buộc phải có): Công ty Cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông;
– Cổ phần ưu đãi: Ngoài cổ phần phổ thông, Công ty Cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi;
Cổ phần ưu đãi bao gồm các loại: cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần ưu đãi khác theo quy định của Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
2. Nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần
Chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong Công ty Cổ phần chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình đang nắm giữ cho cá nhân, tổ chức hay cổ đông khác và bên nhận chuyển nhượng cổ phần phải thanh toán cho bên chuyển nhượng cổ phần;
Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông của Công ty Cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, TRỪ một số trường hợp hạn chế sau đây:
- Cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng theo điều lệ của công ty. Mặc dù có điều lệ quy định, nhưng vẫn phải ghi rõ việc hạn chế đó trên cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng;
- Cổ phần của cổ đông sáng lập sở hữu chỉ được chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác trong vòng 03 năm kể từ khi đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên nếu được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông có quyền chuyển nhượng cho người khác. Điều kiện này không áp dụng đối với cổ đông sáng lập tham gia góp vốn sau khi đăng ký doanh nghiệp;
Như vậy, so với các loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần có nguyên tắc chuyển nhượng vốn linh hoạt và tự do hơn: cổ phần được tự do chuyển nhượng, không bị giới hạn về đối tượng được nhận chuyển nhượng cũng như giới hạn về số lượng cổ phần được chuyển nhượng.
Tính tự do chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng cổ phần cũng là đặc điểm chỉ có ở Công ty Cổ phần và có ý nghĩa quan trọng như sau:
Về phương diện kinh tế, tạo ra sự năng động về vốn song vẫn giữ được sự ổn định trong Công ty Cổ phần;
Về phương diện pháp lý thì khi một người đã góp vốn vào công ty, họ không có quyền rút vốn, trừ trường hợp công ty giải thể. Vì vậy, một thành viên công ty không muốn ở công ty thì chỉ có cách chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Đối với Công ty Cổ phần, việc chuyển nhượng cổ phần rất dễ dàng và thuận tiện, điều đó tạo cho Công ty Cổ phần một cấu trúc vốn mở với việc cổ đông trong Công ty Cổ phần thường xuyên thay đổi;
Bản chất của việc chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần là sự chuyển dịch quyền sở hữu của cổ đông đối với cổ phần mà họ đang nắm giữ trong công ty.
Chuyển nhượng cổ phần được coi là hoàn tất, bên mua chính thức là cổ đông hoặc được xác nhận số cổ phần mới khi đáp ứng toàn bộ các điều kiện sau: Có hợp đồng chuyển nhượng và giấy tờ chứng nhận hoàn tất việc thanh toán; và Các thông tin của bên mua được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông theo đúng quy định.
3. Hình thức chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần được thực hiện dưới 02 hình thức:
– Thứ nhất, Chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng;
Hình thức chuyển nhượng này được xác lập thông qua giao dịch dân sự về mua, bán cổ phần. Vì thế, nếu chuyển nhượng thông qua hợp đồng thì các bên tham gia chuyển nhượng phải tuân thủ các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Thứ hai, Chuyển nhượng cổ phần thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán;
Khi cổ đông muốn chuyển nhượng cổ phần thông qua đơn vị phát hành chứng khoán thì phải đăng ký với Ủy ban chứng khoán Nhà nước trước khi chào bán cổ phần ra thị trường. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần này phải tuân theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019;
4. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần
Sau đây, Luật Phúc Cầu chỉ sẽ trình bày về thủ tục chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng.
4.1. Hồ sơ chuyển nhượng cổ phần:
Thành phần hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ công ty. Theo đó, thông thường hồ sơ sẽ bao gồm:
- Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần;
- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
- Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
- Điều lệ công ty (Sửa đổi, bổ sung);
- Hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần;
- Sổ đăng ký cổ đông.
4.2. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ khoản 2 Điều 57 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện trong nội bộ Công ty và không cần làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư, TRỪ trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua của công ty.
Thông thường trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần có thể được thực hiện theo phương thức sau:
Bước 1: Tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để ra Quyết định về việc chuyển nhượng cổ phần (Trong trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải là cổ đông sáng lập trong vòng 03 năm kể từ ngày con ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Điều lệ công ty có quy định);
Bước 2: Bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
Bước 3: Tiến hành lập biên bản và ký biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng;
Bước 4: Chỉnh sửa, bổ sung thông tin của cổ đông mới vào Sổ đăng ký cổ đông của Công ty Cổ phần;
Bước 5: Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân sau khi chuyển nhượng cổ phần;
4.3. Nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ khoản 3 Điều 13 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, cổ đông chuyển nhượng cổ phần có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân cho phần cổ phần đã chuyển nhượng.
Thu nhập tăng thêm từ việc chuyển nhượng cổ phần là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu bên chuyển nhượng là cá nhân) hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu bên chuyển nhượng là tổ chức).
Đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần chưa niêm yết thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần. Theo đó thuế thu nhập cá nhân phải nộp được xác định như sau:
[Thuế TNCN phải nộp] = Giá chuyển nhượng từng lần x Thuế suất (0,1% )
Trong đó:
- Giá chuyển nhượng: được xác định theo giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc giá trị theo sổ sách kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng.
- Thuế suất:
+ Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Do đó, mỗi lần chuyển nhượng cổ phần, cổ đông bắt buộc phải kê khai và nộp thuế TNCN đối với từng lần chuyển nhượng đó.
Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng cổ phần:
- Cá nhân chuyển nhượng thuộc diện trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày chuyển nhượng;
- Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách cổ đông theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ khai thuế TNCN:
Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân chuyển nhượng cổ phần gồm:
- Tờ khai thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán theo mẫu số 04/CNV-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC;
- Bản sao hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Nơi nộp hồ sơ kê khai thuế và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại Cơ quan Quản lý thuế.
5. Những điều cần lưu ý khi chuyển nhượng cổ phần
Khi chuyển nhượng cổ phần cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Khi chuyển nhượng cổ phần với mức giá 0 đồng, bên chuyển nhượng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân;
- Giá chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu hợp đồng chuyển nhượng không quy định về giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng;
- Cổ đông của công ty có thể thay đổi nhưng tài sản công ty vẫn ổn định;
- Trường hợp việc chuyển nhượng cổ phần dẫn tới thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập thì cần tiến hành thủ tục thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập đến cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Khi công ty có sự thay đổi cổ đồng cần phải cập nhật vào Sổ đăng ký cổ đông;
- Trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, cần phải xét xem quy định trong Biểu cam kết WTO cho phép nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn với tỷ lệ phần vốn góp là bao nhiêu. Tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào từng loại ngành nghề nhà đầu tư dự định đầu tư. Đồng thời, khi chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài cần thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh;
- Cá nhân chuyển nhượng cổ phần cần lưu ý đến quy định nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cổ phần.
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./