Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của nông nghiệp, lâm nghiệp, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống,…Vì vậy, đất đai là một trong những lĩnh vực phức tạp và thường xuyên xảy ra tranh chấp nhất. Một hành vi vi phạm luật đất đai mà trong cuộc sống thường ngày chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhất đó là hành vi lấn, chiếm đất của người khác. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ đem đến cho quý khách hàng những thông tin về cách giải quyết cho chủ đề nói trên.
* Cơ sở pháp lý:
- Luật đất đai 2013;
- Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
- Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định về các trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện;
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
1. Khái niệm hành vi lấn, chiếm đất đai
1.1. Lấn đất là gì?
Căn cứ khoản 1, Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP định nghĩa về hành vi lấn đất như sau:
“1. Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép”.
1.2. Chiếm đất là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP định nghĩa về hành vi lấn, chiếm đất như sau:
“2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
c) Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp.
d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, hành vi được coi là lấn đất khi có dấu hiệu dịch chuyển, thay đổi ranh giới, mốc giới của thửa đất trên thực tế so với diện tích được quy định trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Hành vi chiếm đất thường là hành vi sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao quyền sử dụng.
Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 12 Luật đất đai 2013 thì Hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất đai là một trong các hành vi bị nghiêm cấm, được quy định chi tiết tại pháp luật về đất đai. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ của các Chủ Thể Sử Dụng Đất.
2. Người bị lấn, chiếm đất cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân?
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngưới bị lấn chiếm đất có thể thông qua các hình thức sau:
Căn cứ, Điều 202 Luật Đất Đai 2013 quy định:
“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
…..
3. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
4. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy, việc hòa giải là do các bên tự nguyện, Nhà nước khuyến khích các bên thực hiện hoà giải.
Lưu ý: Việc hòa giải trong trường hợp này là điều kiện bắt buộc, cụ thể:
Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định về các trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện như sau:
“ Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”
Tóm lại, lấn chiếm đất là hành vi bắt buộc phải thực hiện hoà giải tại UBND xã, phường nơi xảy ra tranh chấp.
Trong trường hợp hòa giải không thành, căn cứ vào Điều 203 Luật đất đai 2013 chia thành hai trường hợp:
- Thứ nhất: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Thứ hai: Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
Tóm lại, nếu đương sự có giấy tờ theo quy định tại điều 100, Luật đất đai 2013 thì chỉ được khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.
Nếu đương sự không có các giấy tờ quy định tại điều 100, Luật đất đai 2013 thì có thể lưa chọn một trong hai hình thức: Nộp đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết hành vi lấn chiếm đất hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
3. Các hình thức xử lý hành vi lấn chiếm đất đai
3.1. Xử lý Hành chính
- Các hình thức xử phạt: Cảnh cáo; Phạt tiền; Các hình thức xử phạt bổ sung.
Cụ thể, hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xử lý theo Điều 14, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:
“ 1. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
2. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
…”
- Các biện pháp khắc phục hậu quả gồm có:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.
3.2. Xử lý Hình sự
Hành vi lấn, chiếm đất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:
- Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trên đây là các quy định pháp lý liên quan đến hành vi lấn chiếm đất, các chế tài liên quan đến hành vi này. Đồng thời, bài viết còn đề cập đến các quy định về quyền của Chủ Sử Dụng Đất khi bị người khác lấn chiếm đất, để từ đó giúp Khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng /./