NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN LÀM GÌ KHI CÔNG TY KHÔNG ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI?

Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tham gia đầy đủ hay thậm chí trốn tránh việc đóng BHXH. Bên cạnh đó, nhiều người lao động cũng chưa nắm được quy định pháp luật nên đối với việc người sử dụng lao động không tham gia BHXH, họ không có ý kiến phản đối hoặc không biết phản ánh thực trạng này đến ai, cơ quan nào. Từ đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy, khi người sử dụng lao động không đóng BHXH, người lao động có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ trình bày cho Quý khách hàng thêm thông tin về vấn đề này.

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật lao động năm 2019.
  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
  • Nghị định 143/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
  • Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.
  • Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

1. Khái niệm và Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Khái niệm BHXH bắt buộc được quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cụ thể:

    – Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước, tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

    – BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ: thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tuổi tuất.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội gồm:

  • NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định theo quy định của pháp luật về lao động;

– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

  • NLĐ là Công Dân Nước Ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi:

– Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp

– Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu NLĐ là người nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây thì KHÔNG THUỘC đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:

– NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (một trong những hình thức mà lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP) là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng;

– NLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động 2012.

Như vậy, nếu NLĐ làm việc cho công ty và theo dạng hợp đồng lao động từ đủ một tháng trở lên theo các quy định PL ở trên, thì công ty và NLĐ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tức là cả công ty và NLĐ đều phải tham gia theo tỷ lệ trích đóng dựa trên tiền lương trong HĐLĐ.

Từ đó, khi công ty không đóng BHXH cho người lao động, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể:

“Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

  1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
  2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”

Khi đó, công ty sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sẽ trình bày ở phần sau).

Lưu ý:

Nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động thậm chí có THỎA THUẬN về việc không đóng bảo hiểm. Đây cũng chính là thỏa thuận trái pháp luật:

Theo quy định tại Khoản 19 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.”.

2. Các biện pháp người lao động có thể làm để bảo vệ quyền lợi

Theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, “Người lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”

Do đó, người lao động có thể thực hiện theo các bước dưới đây khi phát hiện công ty không đóng BHXH như sau:

2.1. Khiếu nại tới Ban Giám đốc Công ty, tổ chức công đoàn công ty

Trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH (khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).

2.2. Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Trong 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội là chủ thể cuối cùng về giải quyết khiếu nại của người lao động theo thủ tục hành chính. (Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)

Lưu ý:

– Cả hai lần khiếu nại, người lao động đều có thể khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn.

– Đồng thời, người lao động nên khiếu nại đích danh. Nếu khiếu nại nặc danh thì có thể đơn khiếu nại sẽ không được giải quyết, vì người giải quyết khiếu nại sẽ không biết phải gửi văn bản trả lời giải quyết khiếu nại đến ai.

2.3. Yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết (không bắt buộc)

Việc tham gia BHXH gắn liền với quyền lợi của người lao động, chính vì vậy, để bảo vệ người lao động, pháp luật không yêu cầu tranh chấp về BHXH bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra công ty không đóng BHXH, người lao động được yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp (Điều 202 Bộ luật Lao động 2019).

2.4. Khởi kiện đến Tòa án nhân dân

Người lao động khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm khi:

– Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại;

– Hoà giải không thành;

– Hết thời hạn mà không được giải quyết khiếu nại, hòa giải;

– Công ty vẫn không đóng.

(Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

3. Chế tài khi không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

Theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật BHXH 2014, người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng; chậm đóng tiền BHXH; chiếm dụng tiền đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng; chậm đóng.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần Mức Lãi Suất Đầu Tư Quỹ BHXH Bình Quân của năm trước liền kề tính trên số tiền (4,39%/năm theo thông báo số 89/TB-BHXH ban hành ngày 13/01/2022 của BHXH Việt Nam) và thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền; ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ Tài Khoản Tiền Gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng; chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Khoản 5, khoản 6 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định, trường hợp người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc cho người lao động mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

Trên đây là những vấn đề về Quyền lợi của Người lao động khi Người sử dụng lao động không đóng Bảo hiểm xã hội. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng/./

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *