ÁN LỆ DÂN SỰ: ÁN LỆ SỐ 14/2017/AL ?️ Công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng ?️

Án lệ số 14/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14/12/2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28/12/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Dưới đây là nội dung của Án lệ 14/2017/AL được Luật Phúc Cầu tổng hợp.

✡️ 1.Nguồn án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 02/2011/DS-GĐT ngày 17-01-2011 của Tòa Dân sự TAND tối cao về vụ án “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại tỉnh Điện Biên giữa các bên:
• Nguyên đơn: ông Quàng Văn P1;
• Bị đơn: anh Quàng Văn P2, chị Phan Thị V.

✡️ 2.Tình huống án lệ

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp.

✡️ 3.Giải pháp pháp lý

Trường hợp này, Tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.

✡️ 4.Quy định pháp luật có liên quan đến án lệ

Bộ luật dân sự 2005, bao gồm các Điều luật:
– Điều 125 quy định Giao dịch dân sự có điều kiện;
– Điều 126 quy định về Giải thích giao dịch dân sự;
– Điều 470 quy định Tặng cho tài sản có điều kiện.
(tương ứng với Điều 120, Điều 121 và Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015).

✡️ 5.Tóm tắt nội dung vụ án

Tại thủ phủ Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có gia đình Quàng Văn P1 và hai người con là con gái Quàng Thị N, con trai Quàng Văn P2, cùng con dâu Phan Thị V. Năm 2003, ông P1 được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cấp cho đất thổ cư là 72 m² đối diện đường quốc lộ. Những năm sau, mảnh đất tạm được sử dụng bởi con gái là chị N. Sau đó, ông P1 quyết định tặng cho vợ chồng con trai quyền sử dụng mảnh đất này với điều kiện là vợ chồng con trai phải xây nhà ở cho mình, việc này chỉ nói bằng lời, không ghi trong hợp đồng.
 
Thời gian sau, vợ chồng con trai của ông sử dụng mảnh đất này nhưng không xây nhà cho ông, không chấp nhận yêu cầu của ông. Ngày 27/12/2006, Quàng Văn P1 khởi kiện Quàng Văn P2 và Phan Thị V, đệ đơn gửi TAND thành phố Điện Biên Phủ. Vụ án lần lượt được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm tại TAND tỉnh Điện Biên rồi giám đốc thẩm tại Tòa Dân sự TAND tối cao để đi đến nhận định cuối cùng rồi quay trở lại với phiên sơ thẩm.

✡️ 6.Nội dung của án lệ

Nội dung Án lệ số 14/2017/AL được trích từ đoạn 10, 11, 12 phần Nhận định của Tòa án trong Quyết định giám đốc thẩm số 02/2011/DS-GĐT ngày 17/01/2011 của Tòa Dân sự TAND tối cao về vụ án “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại tỉnh Điện Biên, như sau:
 
“Như vậy, nếu có căn cứ xác định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương cấp đất cho ông Quàng Văn P1 từ năm 2003 (vì Tòa án các cấp chưa thu thập quyết định cấp đất năm 2003), thì ông Quàng Văn P1 có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất nêu trên từ năm 2003 nên ông Quàng Văn P1 có quyền định đoạt tài sản của mình.
 
Tuy nhiên, ông Quàng Văn P1 cho rằng việc ông tặng cho vợ chồng anh Quàng Văn P2 là có điều kiện, đó là vợ chồng anh Quàng Văn P2 phải làm nhà cho ông ở, chăm sóc ông và bố, mẹ của ông, nhưng vợ chồng anh Quàng Văn P2 không thực hiện cam kết. Tuy anh Quàng Văn P2 không thừa nhận việc ông Quàng Văn P1 tặng cho có điều kiện, nhưng tại Giấy ủy quyền ngày 25/3/2006, thể hiện ông Quàng Văn P1 ủy quyền cho anh Quàng Văn P2 xin giấy phép xây dựng… có trách nhiệm xây nhà trên lô đất 379B để ông Quàng Văn P1 ở, có trách nhiệm chăm sóc vợ chồng cụ K (là bố, mẹ của ông Quàng Văn P1). Tại Bản Cam kết ngày 12/10/2006, anh Quàng Văn P2 có ghi “… Tôi được bố cho mảnh đất…tôi làm cam kết này với chính quyền địa phương sẽ tiến hành xây dựng nhà ở cho bố tôi và không được chuyển nhượng cho ai.”
 
Mặc dù hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện nhưng tại các văn bản nêu trên có thể hiện anh Quàng Văn P2 phải làm nhà cho ông Quàng Văn P1 ở, chăm sóc ông Quàng Văn P1 và bố mẹ của ông Quàng Văn P1”.

✡️ 7.Ý nghĩa của án lệ

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và các điều kiện tặng cho là hợp pháp.
Trường hợp này Tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Hướng giải quyết của Án lệ đã xác định sự tồn tại điều kiện tặng cho mặc dù không thể hiện trong hợp đồng và ghi nhận tính hợp pháp của một số điều kiện rất phổ biến trong cuộc sống.
Từ đó, Án lệ số 14/2017/AL đã góp phần giải thích rõ hơn quy định của pháp luật, nội dung chứa đựng tính ứng dụng thực tiễn cao.

✡️ 8.Trường hợp tương tự áp dụng án lệ

Trên thực tế, Án lệ vẫn được áp dụng cho đối tượng tặng cho có thể là động sản, bất động sản khác không là quyền sử dụng đất. Được áp dụng cho điều kiện tặng cho không được thể hiện trong văn bản, ví dụ như các bên nói miệng với nhau có nhân chứng hoặc ghi âm.
 
Về điều kiện tặng cho, Án lệ có thể được áp dụng cho các điều kiện như chăm sóc, nuôi dưỡng người con có khuyết tật của người tặng cho hay thực hiện trách nhiệm theo đạo lý truyền thống sau khi người tặng cho chết như mai táng và thờ cúng.
 
Tức là, trong quá trình xét xử phải “bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”.
(Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *