Tranh chấp khi chia di sản thừa kế đối với trường hợp một người có hai vợ hiện nay không phải là hiếm. Cụ thể, người chồng có khối tài sản nhưng khi mất không để lại di chúc thường dẫn đến tranh chấp giữa hai người vợ và các đồng thừa kế khác. Vậy quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào? Người nào vợ nào sẽ có quyền được chia di sản thừa kế? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp phần nào thắc mắc đó cho Quý khách hàng.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Luật hôn nhân và gia đình năm 1959;
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Nghị quyết 76/CP về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước năm 1977;
- Thông tư số 60/TATC hướng dẫn giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội đã có vợ, chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ, chồng khác ngày 22/2/1978;
- Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09/06/2000.
1. Di sản thừa kế là gì?
Pháp luật hiện hành chưa có quy định giải thích khái niệm di sản thừa kế là gì. Tuy nhiên căn cứ theo các quy định tại Chương XXI Bộ luật dân sự 2015, có thể hiểu di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người thừa kế.
Theo đó, di sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác(quyển sử dụng đất cũng được xem là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và đất đai).
Ngoài ra, di sản thừa kế còn bao gồm các quyền và nghĩa vụ tài sản của người chết để lại như: quyền đòi nợ, quyền đòi bồi thường thiệt hại; các quyền nhân thân gắn với tài sản như: quyền tác giả, quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; các khoản nợ, các khoản bồi thường thiệt hại…
2. Chia di sản thừa kế trong trường hợp một người có hai vợ như thế nào?
Pháp luật Việt Nam quy định chế độ hôn nhân là “Một vợ, một chồng”. Do đó, trong trường hợp một người có hai vợ, pháp luật hiện hành chỉ công nhận một quan hệ vợ chồng duy nhất (có thể hiểu đơn giản trong trường hợp này đó là chỉ có duy nhất một người vợ được pháp luật thừa nhận và được xác định là người được chia di sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc), trừ một số trường hợp đặc biệt. Vậy, nếu rơi vào trường hợp này, Quý khách hàng phải cần xem xét, xác định lại quan hệ hôn nhân nào là hợp pháp. Từ đó, có cơ sở để xác định quyền và lợi ích của mình khi chia thừa kế. Việc chia di sản thừa kế trong trường hợp này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, nguyên tắc quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
+ Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
+ Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
3. Nguyên tắc xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp trong trường hợp một người có hai vợ
- Trường hợp 1: Người chồng chỉ đăng ký kết hôn với một trong hai người vợ
Nếu người đã mất và người vợ thứ nhất có đăng ký kết hôn thì theo pháp luật, người vợ thứ nhất sẽ được pháp luật công nhận là vợ hợp pháp của người này. Do đó nếu người chồng này mất mà chưa kịp để lại di chúc thì người vợ thứ nhất sẽ đương nhiên được hưởng các quyền thừa kế theo các quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Còn nếu người đã mất không đăng ký kết hôn với người vợ đầu nhưng lại đăng ký kết hôn với người vợ thứ hai thì theo pháp luật, người vợ thứ hai sẽ được pháp luật công nhận là vợ hợp pháp của người này. Theo đó, người vợ thứ hai sẽ là người được hưởng quyền thừa kế.
- Trường hợp 2: Người chồng đăng ký kết hôn với cả hai người vợ
Trường hợp chồng đã mất mà trước đó có kết hôn với người vợ thứ nhất, sau đó tiếp tục kết hôn với người vợ thứ hai thì quan hệ hôn nhân với người vợ thứ nhất được xem là hợp pháp, quan hệ hôn nhân với người vợ thứ hai không được công nhận do vi phạm chế độ hôn nhân “Một vợ, một chồng”.
- Trường hợp 3: Không đăng ký kết hôn với người vợ nào
Trong trường hợp này, do quan hệ hôn nhân không được pháp luật thừa nhận dẫn đến không phát sinh quyền thừa kế đối với cả hai người vợ nên phần di sản thừa kế sẽ chỉ được chia theo quy định của pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế của người chồng – quy định tại Điều 651 BLDS 2015 đã trình bày ở trên (2 người vợ sống chung không được xếp vào hàng thừa kế thứ nhất). Nếu trong thời gian sống chung mà không đăng ký kết hôn, vợ và chồng có cùng nhau tạo lập tài sản (chẳng hạn: góp vốn mua đất, thành lập doanh nghiệp, …) mà có căn cứ chứng minh thì quyền lợi, tài sản của mỗi người trong khối tài sản được tạo lập chung đó sẽ được giải quyết theo Chế Độ Sở Hữu Chung Theo Phần – quy định tại BLDS 2015.
- Trường hợp 4 – Đặc biệt: Chồng có nhiều vợ nhưng Các Người Vợ đều được công nhận là hôn nhân hợp pháp – đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Như chúng tôi đã khẳng định ở đầu bài viết, Luật HN&GĐ hiện hành quy định chế độ hôn nhân là “Một vợ, một chồng”. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh trong quá khứ, vẫn tồn tại 02 trường hợp đặc biệt có nhiều vợ nhưng vẫn được công nhận là hôn nhân hợp pháp. Cụ thể:
? Trước đây, Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 (có hiệu lực từ ngày 13/1/1960) là văn bản pháp luật chính thức đầu tiên ấn định nguyên tắc một vợ một chồng ở nước ta.
Do đó, trường hợp nam nữ kết hôn từ ngày 13/1/1960 trở về sau (tức ngày LHN&GĐ năm 1959 bắt đầu có hiệu lực) mà vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng thì được coi là không hợp pháp.
Những quan hệ hôn nhân được xác lập trước khi Luật LHN&GĐ năm 1959 có hiệu lực, thì dù có nhiều vợ, nhiều chồng thì vẫn không vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng và được coi là hợp pháp.
Đặc biệt, đối với miền Nam, Luật LHN&GĐ năm 1959 chỉ có hiệu lực từ ngày 25/3/1977 theo Nghị quyết 76/CP năm 1977. Chính vì vậy, hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng xác lập tại miền Nam trước 25/03/1977 vẫn được coi là hợp pháp.
? Bên cạnh đó, đối với các trường hợp cán bộ, bộ đội miền Nam phải tập kết ra Bắc để tham gia công cuộc bảo vệ đất nước và đã kết hôn với vợ mới ở ngoài Bắc. Trong trường hợp này, áp dụng Thông tư số 60/TATC ngày 22/2/1978, xử lý như sau:
Nếu người vợ hoặc người chồng ở miền Nam vẫn không có quan hệ hôn nhân mới và muốn duy trì quan hệ hôn nhân trước đây thì pháp luật công nhận cả hôn nhân mới và hôn nhân trước đây.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Thông tư này chỉ áp dụng đối với các đối tượng là cán bộ, bộ đội đã có vợ hoặc có chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ hoặc lấy chồng khác từ sau ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ ( ngày 20/07/1954) đến ngày Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam tuyên bố thống thất đất nước (ngày 30/04/1975).
Tóm lại, nếu rơi vào 02 trường hợp đặc biệt nêu trên, pháp luật vẫn công nhận một người có nhiều vợ (các quan hệ hôn nhân đều hợp pháp), di sản thừa kế sẽ được chia đều cho các người vợ và các đồng thừa kế khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp người chết không để lại di chúc.
—- XEM THÊM: Trường hợp nào không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận là vợ chồng ——
Qua bài viết trên, Luật Phúc Cầu đã nêu ra một số vấn đề xoay quanh việc chia di sản thừa kế trong trường hợp một người có hai vợ. Trường hợp cần tư vấn về thủ tục chia di sản thừa kế, quyền và lợi ích của các bên hay hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân & gia đình, Quý khách có thể phản ánh tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc gọi đến Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.