THẨM MỸ VIỆN HOẠT ĐỘNG TRÁI PHÉP BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ đang ngày càng tăng cao dẫn đến việc các thẩm mỹ viện cũng được kinh doanh ngày càng nhiều. Ngoài các cơ sở thẩm mỹ uy tín thì những thẩm mỹ viện “chui” cũng mọc lên tràn lan ở khắp nơi nhằm thu lợi từ người dùng, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm cũng như sức khỏe của khách hàng. Vậy, các thẩm mỹ viện hoạt động trái phép sẽ bị xử lý như thế nào? Luật Phúc Cầu sẽ làm rõ qua bài viết sau đây:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
  • Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
  • Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
  • Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP);
  • Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

 1. Như thế nào là thẩm mỹ viện hoạt động trái phép?

Theo quy định tại Điểm k Khoản 1 Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP thì: “Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là một trong các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật”. Theo đó, thẩm mỹ viện là cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ được coi là một trong những loại hình phòng khám chuyên khoa.

Tại Điều 42 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

“1. Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

2. Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.”

Như vậy, thẩm mỹ viện là một cơ sở dịch vụ y tế hoặc là phòng khám chuyên khoa thuộc bệnh viện. Do đó, những thẩm mỹ viện đang cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động của các cơ quan nêu trên thì được xem là những thẩm mỹ viện hoạt động trái phép.

2. Những cơ sở thẩm mỹ nào cần giấy phép hoạt động?

Theo quy định của pháp luật thì có hai loại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như sau:

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ cần phải có giấy phép hoạt động: là những cơ sở thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, nhưng người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp (điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị định 155/2018/NĐ-CP).

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần phải có giấy phép hoạt động: đó là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP).

Như vậy, dù là theo hình thức nào thì người thực hiện hoạt động thẩm mỹ phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Do đó, ngoài các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước theo quy định pháp luật, các cá nhân, tổ chức muốn được đào tạo nghề, dạy nghề hợp pháp thì các tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

3. Thẩm mỹ viện hoạt động trái phép bị xử phạt như thế nào?

Thẩm mỹ viện “chui” trên thực tế là những cơ sở thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép, không tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Tùy theo mức độ vi phạm, thẩm mỹ viện “chui” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:

“6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;

b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;

c) Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế;

d) Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh;

đ) Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

e) Điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 5 Điều này;

c) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 và điểm c khoản 6 Điều này;

đ) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách chuyên môn của cơ sở trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và các điểm b, e khoản 6 Điều này.”

Vậy, thẩm mỹ viện “chui” hoạt động trái phép có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

4. Việc các thẩm mỹ viện không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ không nằm trong danh mục được cho phép bị xử lý như thế nào?

Đối với hành vi quảng cáo các dịch vụ không không nằm trong danh mục dịch vụ được cấp phép kinh doanh còn vi phạm vào luật quảng cáo.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.”

Theo đó, ngoài việc xử phạt về việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trái phép thì còn có thể bị phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng do vi phạm các điều cấm trong hoạt động quảng cáo.

5. Thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có bị truy tố trách nhiệm hình sự không?

Trong thời gian hoạt động, nếu thẩm mỹ viện “chui” làm tổn hại đến sức khỏe người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 BLHS 2015, cụ thể như sau:

“1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Do đó, trong khoảng thời gian thẩm mỹ viện đó hoạt động mà có gây chết người hoặc làm tổn thất đến sức khỏe của khách hàng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *