HỢP ĐỒNG VAY VỐN NGÂN HÀNG CÓ BẮT BUỘC PHẢI MUA BẢO HIỂM KHÔNG?

Tình huống: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi cần Luật sư tư vấn như sau: Tôi có nhu cầu thế chấp tài sản để vay vốn ở ngân hàng, tôi đã cung cấp đầy đủ hồ sơ nhưng nhân viên bảo tôi phải mua bảo hiểm nhân thọ thì hồ sơ vay mới được duyệt thì việc này có đúng với quy định của pháp luật hay không? Nếu không thì tôi có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trả lời: Cảm ơn câu hỏi của bạn, Luật Phúc Cầu xin được tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Dân sự năm 2015;
  • Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
  • Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật kinh doanh bảo hiểm và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 80/2019/NĐ-CP);
  • Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
  • Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP).

1. Điều kiện để được vay vốn tại ngân hàng

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, ngân hàng quyết định cho khách hàng vay vốn nếu đủ các điều kiện sau đây:

  • Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
  • Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
  • Có phương án sử dụng vốn khả thi.
  • Có khả năng tài chính để trả nợ.
  • Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Bên cạnh đó, hợp đồng vay vốn ngân hàng mang bản chất là một giao dịch dân sự nên cũng cần phải đáp ứng các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực theo quy định tại Điều 117 Bộ Luật dân sự 2015:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Ngân hàng có được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn không?

Tại Khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2019 quy định các loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

“…

2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.”

Và theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng không có điều khoản nào bắt buộc về việc khi vay tiền tại ngân hàng/tổ chức tín dụng phải bảo đảm khoản vay bằng việc mua bảo hiểm.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì việc mua bảo hiểm là không bắt buộc khi làm hồ sơ vay vốn mà dựa trên sự tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu và khả năng tài chính của người mua. Do đó, ngân hàng không có quyền bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm để duyệt hồ sơ vay.

3. Ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm để được giải ngân vay vốn bị xử lý như thế nào?

Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe như sau:

“2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

c) Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;

d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.

đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.”

Vậy, nếu ngân hàng có hành vi ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới duyệt hồ sơ vay vốn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 02 – 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

4. Cần làm gì khi vay vốn mà ngân hàng mời chào hoặc ép phải mua bảo hiểm?

Theo quy định, khi thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo hiểm thì ngân hàng chỉ được khuyến khích khách hàng tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện mà không được bắt buộc hay lấy đây làm điều kiện bắt buộc khách hàng thực hiện. Trong trường hợp mà anh/chị gặp phải như tình huống nêu trên thì có thể thực hiện những cách sau đây:

Thứ nhất, khi được mời mua Bảo hiểm Nhân thọ, nếu thật sự không có nhu cầu, khách hàng nên trình bày rõ về việc này với nhân viên tư vấn, tránh những bẫy “lãi suất ưu đãi” hoặc “để duyệt hồ sơ vay nhanh” khi đi vay vốn tại ngân hàng.

Thứ hai, hầu hết các khách hàng đều nói là bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn nhưng trên thực tế lại không có bằng chứng chứng minh, mà trên các chứng từ tham gia bảo hiểm tại ngân hàng đều thể hiện khách hàng hoàn toàn “tự nguyện”. Do đó, trong quá trình làm việc với nhân viên ngân hàng, khách hàng có thể khéo léo thu thập bằng chứng hoặc ghi âm cuộc hội thoại và báo cáo sự việc bị ép mua bảo hiểm về Thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiên nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng. Theo đó, trường hợp ngân hàng “ép”, bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm khi vay vốn thì người dân có thể liên hệ Hotline sau đây:

  • Số cố định: (024) 3936.1017
  • Số di động: 0942.966.854
  • Hoặc chọn gửi thư điện tử qua địa chỉ Email: cqttgsnh@sbv.gov.vn

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *