CON NUÔI KHÔNG ĐĂNG KÝ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ KHÔNG?

Ở nước ta, việc nuôi con nuôi đã không còn xa lạ, thể hiện truyền thống nhân đạo cũng như tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Vậy nuôi con nuôi có cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không? Và trường hợp không đăng ký thì có được hưởng thừa kế của cha, mẹ nuôi không? Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp thông qua bài viết sau đây.

* Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Luật Nuôi con nuôi 2010;
  • Nghị định 114/2016/NĐ-CP Quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài.

1. Con nuôi là gì?

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi, “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.”

Cũng tại Khoản 3 Điều này, “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.”

Như vậy, nuôi con nuôi là xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích của người được nhận làm con nuôi. Chỉ được xác định là con nuôi khi việc nuôi con nuôi này được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

2. Quyền hưởng thừa kế của con nuôi

  • Hưởng thừa kế theo di chúc

Căn cứ Điều 624 BLDS 2015, “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

—– XEM THÊM: Thủ tục lập di chúc

Do đó, nếu cha, mẹ nuôi để lại di chúc cho con nuôi hưởng tài sản của mình và di chúc đó hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 thì người con nuôi có thể được hưởng thừa kế theo di chúc.

  • Hưởng thừa kế theo pháp luật:

Tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ như sau:

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.

Cụ thể tại Điều 651 quy định Người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

…”

Và Điều 652 BLDS về Thừa kế thế vị:

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

—– XEM THÊM: Quy định về chia thừa kế theo pháp luật

Từ những quy định nêu trên, có thể thấy con nuôi hợp pháp được quyền hưởng di sản của cha, mẹ nuôi để lại theo pháp luật. Trường hợp chia thừa kế theo pháp luật thì con nuôi được xác định là hàng thừa kế thứ nhất, được chia di sản theo quy định của pháp luật, TRỪ trường hợp không được hưởng thừa kế như: từ chối nhận di sản thừa kế (Điều 620 BLDS 2015), người không được quyền hưởng di sản (Điều 621 BLDS 2015). Và con nuôi cũng được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp cha, mẹ nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà nuôi.

3. Nuôi con nuôi không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền có được hưởng thừa kế không?

Căn cứ quy định tại Điều 3 Khoản 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Theo đó, việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký là điều kiện bắt buộc để công nhận con nuôi. Hay nói cách khác, phải thực hiện thủ tục này thì con nuôi mới được hưởng thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ nuôi.

Bên cạnh đó, trường hợp bố, mẹ nuôi lập di chúc để lại tài sản cho con nuôi không đăng ký và di chúc đó hợp pháp theo quy định của pháp luật thì con nuôi vẫn có quyền hưởng thừa kế di sản mà cha mẹ nuôi để lại.

Như vậy, con nuôi không đăng ký thì không được hưởng thừa kế theo pháp luật nhưng có thể được hưởng thừa kế theo di chúc của cha, mẹ nuôi. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp nuôi con nuôi không đăng ký dẫn đến xảy ra tranh chấp về phân chia di sản thừa kế giữa con nuôi và con đẻ sau khi cha, mẹ chết. Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cả cha, mẹ nuôi và con nuôi, việc nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Điều kiện và thủ tục đăng ký nhận con nuôi trong nước

    • Điều kiện đăng ký nhận con nuôi trong nước

* Đối với người được nhận làm con nuôi:

Căn cứ Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người được nhận làm con nuôi bao gồm:

  • Trẻ em dưới 16 tuổi;
  • Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Lưu ý: Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

* Đối với người nhận con nuôi:

Người nhận con nuôi phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 14, cụ thể:

“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.”

    • Thủ tục đăng ký nhận con nuôi trong nước

* Thành phần hồ sơ:

  • Hồ sơ của người nhận con nuôi:

+ Đơn xin nhận con nuôi trong nước;

+ Bản sao Hộ chiếu/CCCD/CMND hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

+ Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

+ Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

+ Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.

  • Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi:

+ Bản sao Giấy khai sinh;

+ Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

+ 02 ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

+ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất năng lực hành vi dân sự;

+ Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

* Trình tự thực hiện:

Bước 1. Nộp hồ sơ đăng ký nhận con nuôi

Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại UBND cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.

Bước 2. Kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người liên quan

UBND cấp xã nơi nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ:

  • Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy hẹn giao cho người nộp;
  • Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định.

Trong thời 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tiến hành xong việc lập ý kiến của những người liên quan. Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến.

Bước 3. Cấp giấy chứng nhận nhận nuôi con nuôi

UBND xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi. UBND trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi. Công chức Tư pháp – Hộ tịch ghi vào sổ đăng ký việc nuôi và Giấy chứng nhận nuôi con nuôi. Chủ tịch UBND cấp xã ký Giấy chứng nhận đăng ký nuôi con nuôi.

Trường hợp từ chối đăng ký thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người liên quan, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do.

Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 114/2016/NĐ/CP là 400.000 đồng/trường hợp.

Trên đây là bài viết của Luật Phúc Cầu về vấn đề “Con nuôi không đăng ký có được hưởng thừa kế không?” Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc liên hệ 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *