Đối với những Quyết định hành chính đã được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục mà có người khởi kiện, trong đó có nội dung không chấp nhận yêu cầu đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã có quyết định quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất trước ngày 01/7/1991 theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH11 của Quốc hội. Trong trường hợp này, hướng giải quyết của Tòa án sẽ như thế nào? Luật Phúc Cầu sẽ giúp Quý khách hàng giải đáp thông qua bài tổng hợp án lệ số 27 sau đây.
1.Nguồn án lệ
Quyết định giám đốc thẩm số 03/2018/HC-GĐT ngày 16/7/2018 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định giải quyết Khiếu nại” tại tỉnh Trà Vinh giữa Người khởi kiện là bà Hồng Thị L với Người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.
2. Khái quát nội dung án lệ
-
Tình huống án lệ:
Người khởi kiện khởi kiện quyết định hành chính có nội dung không chấp nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất trước ngày 01/7/1991 theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội mà quyết định đó đã được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục.
-
Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải thụ lý để giải quyết theo hướng bác yêu cầu khởi kiện.
3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ
- Điều 94 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 – Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh trong lĩnh vực thi hành pháp luật;
- Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 – Trình tự khiếu nại;
- Luật Tố tụng hành chính năm 2010, gồm các điều:
- Khoản 1 Điều 28 – Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án;
- Điểm a khoản 2 Điều 163 – Thẩm quyền của Hội đồng xét xử;
(tương ứng với khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015);
- Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991;
- Điều 5 Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991;
- Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 127/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội.
4.Tóm tắt nội dung vụ án
Nguồn gốc căn nhà số 05 N, khóm 3 phường 2, thành phố T, tỉnh Trà Vinh là của cụ Hồng Sa R và cụ Trầm Thị N (là bố mẹ của bà Hồng Thị L) mua của cụ Nguyễn Thị K vào năm 1967 với diện tích 505m2. Năm 1969, ngôi nhà được ngăn thành 13 phòng sử dụng làm phòng ngủ lấy tên là Phòng ngủ Thống Nhất. Năm 1972, cụ N và cụ Hồng Sa R xây dựng thêm 01 dãy nhà lầu 03 tầng, 05 căn, 15 phòng ở phía sau với diện tích đất xây dựng là 77m2. Ngày 13/4/1976, cụ N được Ty thương nghiệp tỉnh Cửu Long cấp Giấy phép hành nghề số 548/TN/GP/ĐK về việc cho thuê mướn phòng ngủ. Tháng 8/1978, Công ty Khách sạn ăn uống thị xã Trà Vinh quản lý và tiếp tục kinh doanh phòng ngủ với hình thức chủ nhà làm nhân viên phục vụ và hưởng lương mỗi tháng.
Ngày 21/8/1984, UBND thị xã Trà Vinh ban hành Quyết định số 35/QĐ-84 về việc quản lý toàn bộ Phòng ngủ Thống Nhất đường N, phường 2, thị xã T, tỉnh Trà Vinh của cụ Hồng Sa R với nội dung: “Nay quản lý toàn bộ nhà và đất Phòng ngủ Thống Nhất đường N, phường 2, thị xã T của cụ Hồng Sa R, gồm phần nhà trước và dãy nhà phía sau, để cho 03 phòng trệt ở dãy phía sau cho cụ Hồng Sa R sử dụng”.
Do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, ngày 28/7/1985, UBND thị xã Trà Vinh ban hành Quyết định số 59/QĐ-85 về việc phân phối nhà với nội dung: “Nay giao toàn bộ Phòng ngủ Thống Nhất, đường N, phường 2, thị xã T cho Ban Công nghiệp thị xã Trà Vinh”.
Năm 1990, Công ty Xuất nhập khẩu thị xã Trà Vinh giải thể, cụ Hồng Sa R vào chiếm lại và sử dụng.
Năm 1992, cụ Hồng Sa R có đơn xin lại căn nhà trên. Năm 1993, cụ Hồng Sa R chết, các con của cụ trong đó có bà Hồng Thị L tiếp tục quản lý và sử dụng căn nhà cho đến nay. Bà L có đơn xin được xem xét công nhận quyền sở hữu toàn bộ nhà, đất nêu trên.
Ngày 27/7/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1350/QĐ-UBND về việc giải quyết Khiếu nại của bà L như sau:
“Bác đơn Khiếu nại của bà L yêu cầu hợp thức hóa toàn bộ căn nhà số 05 đường N, khóm 3, phường 2, thành phố T, tỉnh Trà Vinh.
Bà L được mua lại căn nhà, đất theo địa chỉ số 05 đường N theo quy định tại Nghị định sổ 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ”.
Ngày 13/8/2012, bà L có đơn khởi kiện đối với Quyết định số 1350/QĐ-UBND ngày 27/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2015/HC-ST ngày 26/01/2015, TAND tỉnh Trà Vinh quyết định:
“Bác yêu cầu khởi kiện của bà Hồng Thị L yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 1350/QĐ-UBND ngày 27/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh”.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 31/01/2015, bà Hồng Thị L có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.
Ngày 25/11/2016, TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Bản án hành chính phúc thẩm số 175/2016/HC-PT.
Ngày 10/01/2017, UBND tỉnh Trà Vinh có Công văn số 121/UBND-NC để nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hành chính phúc thẩm số 175/2016/HC-PT ngày 25/11/2016 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 23/02/2018, Chánh án TAND tối cao có Quyết định số 05/2018/KN-HC kháng nghị Bản án hành chính phúc thẩm số 175/2016/HC-PT.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với việc kháng nghị của Chánh án TAND tối cao, nhưng đề nghị hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án vì căn cứ vào Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2006 của Quốc hội thì Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh không được quyền ra quyết định giải quyết yêu cầu hợp thức hóa căn nhà của bà Hồng Thị L.
5. Nội dung án lệ
Nội dung án lệ được trích từ đoạn 6 phần Nhận định của Tòa án trong Quyết định giám đốc thẩm số 03/2018/HC-GĐT ngày 16/7/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, cụ thể như sau:
“[6] Đối với những trường hợp người khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có nội dung không chấp nhận yêu cầu đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã có quyết định quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất trước ngày 01/7/1991 theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội mà quyết định đó đã được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục thì Tòa án phải thụ lý để giải quyết, nhưng theo hướng “Bác yêu cầu khởi kiện ” theo điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính… ”.
6. Sự cần thiết của án lệ
Việc thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết theo hướng Bác yêu cầu khởi kiện đối với những trường hợp người khởi kiện quyết định hành chính không có căn cứ và quyết định đó đã được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tạo ra sự thống nhất khi giải quyết các vụ án có tình huống pháp lý tương tự.
7. Trường hợp tương tự áp dụng án lệ
Trong thực tế, đã có Bản án áp dụng nội dung của án lệ làm căn cứ giải quyết: Bản án 160/2021/HC-PT ngày 15/06/2021 về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.