CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NHÃN HIỆU NỔI TIẾNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Nhãn hiệu nổi tiếng giúp doanh nghiệp tạo dựng vị thế của mình trên thương trường so với những đối thủ cạnh tranh ở cùng mặt hàng. Ngoài ra, nhãn hiệu nổi tiếng còn tạo lợi thế cho doanh nghiệp xây dựng sự uy tín cũng như niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ của mình. Do đó, các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng luôn được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp cho Quý khách hàng những nội dung liên quan về vấn đề này theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Cơ sở pháp lý:

– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019) (Luật SHTT);

1. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019): “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Như vậy, một nhãn hiệu được xem là nổi tiếng khi được nhiều người biết trên khắp Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Nhãn hiệu hàng hóa hiện được xem là tài sản trí tuệ quý giá có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và phát triển của nhiều doanh nghiệp trên thị trường.Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu một nhãn hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng không được nhiều người biết đến tại Việt Nam thì cũng không được xem là nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Một số nhãn hiệu nổi tiếng tại nước ta như: Samsung, Apple, Heineken,…

Cơ cấu Bổ sung thêm ý này và kiểm Điều luật quy định: Nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó mà không cần thực hiện Thủ Tục Đăng Ký Nhãn Hiệu như các nhãn hiệu thông thường.

2. Đặc điểm nhận biết nhãn hiệu nổi tiếng

– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. (khoản 1 Điều 72 Luật SHTT).

– Là nhãn hiệu có tính phân biệt cao, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết thông qua loại hàng hoá hay dịch vụ mà họ sử dụng. (khoản 2 Điều 72 Luật SHTT).

– Có tính phổ biến cao, được nhiều người biết đến. (Ví dụ khi nhắc đến thương hiệu nước giải khát, họ thường nghĩ ngay đến Pepsi, Coca-cola)

– Có giá trị kinh tế lớn đối với doanh nghiệp. Người tiêu dùng nhìn vào nhãn hiệu nổi tiếng mà tin tưởng lựa chọn mua sản phẩm, thế nên doanh thu từ đó cũng tăng cao, mang đến nhiều lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp.

– Là đối tượng dễ bị xâm phạm, có giá trị thương mại cao. Nhãn hiệu nổi tiếng thường bị các doanh nghiệp khác sao chép, đạo nhái khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá.

3. Các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo Luật Sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 như sau:

Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo. Nếu số lượng người tiêu dùng liên quan biết đến nhãn hiệu càng nhiều thì mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu đó càng cao.

Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành. Điều kiện tiên quyết để hàng hoá được lưu thông trên thị trường đó là phải được cấp Giấy lưu hành sản phẩm hợp pháp.

Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp. Doanh số bán hàng càng lớn chứng tỏ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bán ra càng nhiều, từ đó có thể thấy mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng.

Thời Gian Sử Dụng Liên Tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu một cách gián đoạn, không liên tục sẽ làm cho mức độ phổ biến của nhãn hiệu giảm xuống. Lúc này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ đánh giá khoảng thời gian nhãn hiệu không được sử dụng, xem xét nguyên nhân gián đoạn để từ đó đưa ra quyết định nhãn hiệu có còn là nhãn hiệu nổi tiếng hay không.

UY TÍN RỘNG RÃI của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Đây là yếu tố tiên quyết trong việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng.

Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu. Tiêu chí này cũng là một tiêu chí đáng quan tâm để biết được Chủ Sở Hữu nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở bao nhiêu quốc gia và số lượng quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu từ đó đánh giá được mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu đó.

Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng. Càng nhiều quốc gia công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thì mức độ uy tín của nhãn hiệu đó càng lớn.

Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu. 3 Giá trị trên càng lớn càng chứng tỏ nhãn hiệu có độ phủ sóng càng rộng trong thị trường cũng như có mức độ uy tín lớn đối với người tiêu dùng.

  • TỔNG KẾT:

Có thể nói, Hiện nay, trong các văn bản pháp luật quốc tế cũng chỉ đặt ra vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng mà không quy định các tiêu chí cụ thể xác định một nhãn hiệu như thế nào sẽ được coi là nổi tiếng. Việt Nam hiện đang là thành viên của một số các văn bản pháp luật quốc tế nên việc xác định phải thiết lập một hình thức pháp lý rõ ràng cụ thể để đưa các quy định của công ước, hiệp định đi vào áp dụng trong thực tiễn là điều cần thiết.

Tuy nhiên, căn cứ theo Phương Pháp Đánh Giá dựa theo các tiêu chí như đã nêu ở trên của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy – đa số các tiêu chí đánh giá là chưa đầy đủ, chỉ mang tính định tính chung chung mà không cụ thể, không có định lượng một cách rõ ràng.

Bên cạnh đó, ta có thể nhận thấy có sự mâu thuẫn giữa các quy định về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, nếu trong định nghĩa tại Khoản 20, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra Khái Niệm nhãn hiệu nổi tiếng là chỉ cần được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì trong Khoản 6, Khoản 7, Điều 75 Luật sở hữu trí tuệ 2005 về Các Tiêu Chí Đánh Giá lại có yêu cầu thêm về số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu, số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Vậy ví dụ: một nhãn hiệu đã đạt được đủ số lượng người trong toàn lãnh thổ quốc gia biết đến nhưng lại không đạt về tiêu chí số lượng quốc gia công nhận và bảo hộ thì liệu nhãn hiệu đó có phải nhãn hiệu nổi tiếng không ?!

Từ đây ta nhận thấy, để đánh giá sự nổi tiếng của nhãn hiệu, không nhất thiết phải đánh giá tất cả các tiêu chí trên mà tuỳ từng trường hợp cụ thể, tùy từng bối cảnh pháp lý thế giới và pháp luật Việt Nam trong từng giai đoạn hội nhập nhất định để đưa ra các nhận định, xem xét công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng. Từ đó có thể đảm bảo tốt hơn quyền lợi của các doanh nghiệp, sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thương mại hiện nay.

Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *