THỦ TỤC LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội; sự giao lưu hợp tác giữa các quốc gia; xu hướng toàn cầu hóa thì Quan Hệ Hôn Nhân giữa Công Dân Việt Nam Và Người Nước Ngoài cũng ngày càng gia tăng. Điều này tạo ra nét đẹp trong sự giao lưu văn hóa, gắn kết tình hữu nghị giữa các nước. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình thực hiện thủ tục ly hôn với người nước ngoài thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về các vấn đề pháp lý hơn so với những vụ việc trong nước.. Do đó, bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ hướng dẫn cho Quý khách hàng có quan tâm về thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015
  • Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
  • Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

1. Hôn nhân có yếu tố nước ngoài là gì?

Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình cũng như các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về khái niệm kết hôn có yếu tố nước ngoài mà chỉ đưa ra giải thích về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. 

Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:

“25. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”

Quy định này có sự đồng bộ, thống nhất với các quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như vậy, yếu tố nước ngoài trong quan hệ hôn nhân được xác định dựa trên các dấu hiệu như: 

– Chủ thể tham gia quan hệ ít nhất một bên là người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài.

– Sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân gia đình xảy ra ở nước ngoài.

– Tài sản ở nước ngoài.

2. Ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì?

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:

– Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

– Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

– Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó

Như vậy, ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc ly hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa các bên là người nước ngoài nhưng sinh sống tại Việt Nam; giữa người Việt Nam với nhau nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ nước ngoài.

3. Luật áp dụng đối với Ly Hôn có yếu tố nước ngoài.

Việc giải quyết ly hôn giữa công dân Vệt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết theo pháp luật Việt Nam về hôn nhân và gia đình. Cụ thể là theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 và các văn bản liên quan.

Trong trường hợp Bên Là Công Dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

4. Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 123 Luật Hôn nhân gia đình 2014 và khoản 1 Điều 28 và  điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài.

5. Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài.

  • Hồ sơ

Người yêu cầu ly hôn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:

– Đơn xin ly hôn hoặc Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (theo mẫu của Tòa án).

– Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải trình bày rõ trong đơn kiện.

– Giấy chứng thực cá nhân (Giấy CMND, Hộ chiếu, Thẻ căn cước công dân) ( sao y bản chính);

– Hộ khẩu (sao y bản chính);

– Bản sao Giấy khai sinh của con (nếu có con);

– Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản);

– Hồ sơ tài liệu chứng minh việc Một Bên đang ở nước ngoài (nếu có).

Lưu ý :

– Nếu hai bên đăng ký kết hôn theo pháp luật nước ngoài muốn ly hôn tại Việt Nam thì phải hợp thức hóa lãnh sự Giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn tại tòa.

– Nếu hai bên kết hôn tại Việt Nam, sau đó vợ hoặc chồng xuất cảnh sang nước ngoài (không tìm được địa chỉ) thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về việc một bên đã xuất cảnh;

  • Quy trình thực hiện:

Bước 1: Người xin ly hôn viết đơn xin ly hôn và nộp hồ sơ hợp lệ về việc xin ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền.

Bước 2: Trong thời hạn 7 – 15 ngày, Tòa án thụ lý đơn, xem xét đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật thì ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi người nộp đơn.

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.

Bước 4: Tòa án mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa theo thủ tục sơ thẩm.

Thời gian giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài là từ 4 – 6 tháng kể từ ngày thụ lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.  Thời hạn mở phiên tòa từ 01 – 02 tháng kể từ ngay có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Mức án phí sơ thẩm trong vụ việc ly hôn theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì là 300.000 đồng nếu không có tranh chấp về tài sản; nếu có tranh chấp về tài sản, án phí được xác định theo giá trị tài sản…

Trên đây là những vấn đề về Ly hôn có yếu tố nước ngoài. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng /./

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *