Từ khi thành lập cho đến khi bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp sẽ gặp phải những vấn đề pháp lý nhất định. Từ việc quản lý nội bộ doanh nghiệp, phát triển kinh doanh, ký kết hợp đồng,… tất cả đều tiềm ẩn các rủi ro dẫn đến tranh chấp, bồi thường thiệt hại. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ cung cấp cho Quý khách hàng về Các vấn đề mà Doanh nghiệp thường gặp phải khi điều hành doanh nghiệp:
1. Các vấn đề phát sinh đến từ bộ máy quản trị nội bộ, điều hành công ty
Một doanh nghiệp dù ở quy mô lớn hay nhỏ, thuộc mô hình kinh doanh nào đi nữa thì trước khi phát triển cần phải đứng vững. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải có bộ máy quản lý vững mạnh. Để vận hành doanh nghiệp một cách trơn tru ngay từ lúc bắt đầu, người quản lý cần phải xây dựng quy trình nội bộ với những chính sách hợp lý trên cơ sở xem xét đến quyền lợi của tất cả các nhóm trong doanh nghiệp như các cổ đông, những người góp vốn, các giám đốc điều hành và người lao động. Hệ thống hoá quy trình giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động, bên cạnh đó nhà quản trị có thể xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành dựa vào các nguyên tắc, quy trình đã được đưa ra. Việc mất đi hoặc thay thế người phụ trách cũng sẽ diễn ra tinh gọn và không ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động. Nếu không có quy trình quản lý nội bộ hợp lý thì mâu thuẫn nội bộ phát sinh sẽ là điều không thể tránh và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
Vụ tranh chấp giữa những người lãnh đạo trong Công ty cổ phần Đay Sài Gòn hoặc Công ty cổ phần Hữu Nghị… là những bài học điển hình. Nghiêm trọng hơn là việc tranh chấp không thể tự xử lý được mà phải giải quyết bằng con đường Tòa án. Trên thực tế, hầu hết mọi vụ việc giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các thành viên công ty tại Tòa án cho thấy các mâu thuẫn này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và làm cho doanh nghiệp đình trệ hoạt động.
Vì vậy, việc có một cơ chế quản lý nội bộ tốt sẽ tránh được các mâu thuẫn tiềm ẩn trong doanh nghiệp và làm tiền đề cho sự phát triển lâu dài.
2. Quyền và nghĩa vụ các cổ đông, thành viên nên rõ ràng tránh để xảy ra tranh chấp
Các tranh chấp liên quan đến xung đột cổ đông, chủ sở hữu ít khi diễn ra tại thời điểm khởi nghiệp mà thường xuất hiện khi công ty đã bắt đầu ổn định, mang lại doanh thu. Sở dĩ như vậy là do khi thành lập, các thành viên, cổ đông chỉ chú trọng tập trung vào việc đưa ra và phát triển ý tưởng kinh doanh mà không có sự thỏa thuận phân chia lợi nhuận rõ ràng dẫn đến tranh chấp về quyền lợi giữa các bên.
Để tránh tình trạng này, các cổ đông, thành viên sáng lập cần có những thỏa thuận cổ đông hay thỏa thuận thành viên rõ ràng ngay khi thành lập doanh nghiệp và đưa vào điều lệ công ty.
Trong một số trường hợp, các nội dung thỏa thuận không được cơ quan chức năng chấp thuận tại bản Điều lệ, hoặc các thỏa thuận mang tính bảo mật, nhạy cảm… thì các bên cần linh hoạt đưa vào các nghị quyết, quy định trong nội bộ công ty, miễn là không trái quy định pháp luật và đạo đức xã hội.
3. Hợp đồng mua bán, hợp tác và những vấn pháp lý cần lưu tâm
Khi bắt đầu đi vào hoạt động, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng sẽ phát sinh việc giao kết hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng mua bán, hợp tác. Việc tiếp cận và ký kết hợp đồng là một công việc thường xuyên, chiếm khá nhiều thời gian và qua nhiều giai đoạn như đàm phán, soạn thảo, sửa đổi, thực hiện và thanh lý hợp đồng. Việc giao kết hợp đồng cần bảo đảm tính hợp pháp, chặt chẽ về hình thức, ngôn ngữ sử dụng, thẩm quyền ký kết và các điều khoản trọng yếu. Nếu không đảm bảo các yếu tố này, hợp đồng sẽ bị xem là vô hiệu một phần hoặc toàn bộ dẫn đến việc phải bồi thường khi phát hiện có sự vi phạm.
Hiện nay, doanh nghiệp thường dựa trên các văn bản mẫu, hợp đồng mẫu để soạn thảo hợp đồng. Tuy nhiên, Doanh nghiệp lưu ý rằng, cần phải chọn lọc mẫu hợp đồng, linh hoạt thay đổi và đưa ra các điều khoản phù hợp với bản chất của thỏa thuận cũng như áp dụng đúng căn cứ pháp luật để tránh phát sinh rủi ro dẫn đến tranh chấp hợp đồng.
Bên cạnh đó, khi ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác, phần lớn các doanh nghiệp chỉ thường chú ý đến các điều khoản như giá cả, phương thức thanh toán,.. mà không quan tâm nhiều đến các điều khoản pháp lý như cam kết, quyền và nghĩa vụ các bên, bồi thường thiệt hại nếu vi phạm hợp đồng,… Điều này đã dẫn đến việc khi xảy ra tranh chấp, các doanh nghiệp thường bị thiệt hại bởi không có căn cứ giải quyết.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải có khả năng lường trước được các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Các rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng rất đa dạng, có thể là do lý do bất khả kháng, trở ngại khách quan, do một bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, do thay đổi chính sách, pháp luật, thiên tai,… Mục đích của việc thấy trước các rủi ro này nhằm để các bên thỏa thuận và ràng buộc cụ thể trong hợp đồng nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nếu có.
DO ĐÓ, khi giao kết hợp đồng, doanh nghiệp cần lưu ý việc kiểm tra, rà soát hợp đồng một cách kỹ càng, chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như có cơ sở để giải quyết nếu phát sinh tranh chấp giữa hai bên.
4. Vấn đề liên quan đến Giấy phép con
Khi thành lập, doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau mà pháp luật không cấm. Trong các ngành nghề kinh doanh thì không phải ngành nghề nào cũng yêu cầu có giấy phép con. Chỉ khi hoạt động với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và doanh nghiệp xác định đó là ngành nghề kinh doanh chính mà mình muốn phát triển mới phải chuẩn bị thêm các giấy phép con ngay từ ban đầu để đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, chính vì việc không chuẩn bị giấy phép con cần thiết từ ban đầu cũng là một điểm bất lợi và đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Bởi lẽ khi có cơ hội để phát triển, mở rộng phạm vi kinh doanh nhưng bản thân doanh nghiệp lại chưa có đủ giấy phép thì doanh nghiệp phải gấp rút thực hiện, dẫn đến đôi khi bị vuột mất cơ hội làm ăn.
Vì vậy, doanh nghiệp cần xác định rõ định hướng phát triển, chiến lược kinh doanh của mình để đảm bảo vấn đề về giấy phép rõ ràng, chuẩn bị đầy đủ, không rơi vào trạng thái bị động “khi cần không có”.
Trong kinh doanh, cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến ngành nghề, vốn, đáp ứng một hoặc nhiều điều kiện kinh doanh. Ngoài giấy phép đăng ký thành lập thì đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các giấy phép chuyên ngành (giấy phép con) là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp có thể hoạt động với ngành nghề đó.
Ví dụ:
- Kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn => Giấy phép ATVSTP, Giấy phép ANTT, Giấy phép PCCC.
- Kinh doanh dịch vụ vận tải => Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô
- Kinh doanh phòng gym, phòng thể hình => Giấy phép huấn luyện thể thao, Giấy phép PCCC
….
5. Vấn đề liên quan đến Sở hữu trí tuệ
Một vấn đề nữa đó là, Khi bước vào kinh doanh, người chủ doanh nghiệp chỉ tập trung vào kinh doanh, xây dựng thương hiệu lớn mạnh để đưa doanh nghiệp của mình phát triển đi lên mà thường quên mất việc đăng kí bảo hộ nhãn hiệu của chính mình. Rồi đến một ngày, doanh nghiệp nhận được thông báo của Cục quản lý thị trường, nhận được thư yêu cầu ngừng sử dụng nhãn hiệu, vậy là bao công gầy dựng, vun bồi nên thương hiệu gắn liền với sản phẩm, dịch vụ, gắn liền với ấn tượng của khách hàng, nhãn hiệu với bao tâm huyết do chính doanh nhân nghĩ ra nay lại thành “may áo cưới cho người”.
Trong thời đại kinh tế, khoa học phát triển như vũ bão, doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn đến việc bảo vệ tối đa sức cạnh tranh thương hiệu của mình trên thị trường. Và bước đầu tiên chính là “khai sinh” cho thương hiệu của mình để được pháp luật bảo hộ. Vì điều này không chỉ đảm bảo cho doanh nghiệp độc quyền sử dụng tài sản của mình cũng như khẳng định thương hiệu riêng của mình trên thị trường mà còn là cơ sở để thực hiện việc khiếu nại, khiếu kiện khi cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Cùng với tính chính danh khi sử dụng nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ, không ai có quyền được xâm phạm, đạo nhái tới nhãn hiệu đã được bảo hộ này. Việc Đăng kí bảo hộ nhãn hiệu bảo vệ nhãn hiệu khỏi bị các đơn vị khác sử dụng trùng lặp dù vô tình hay cố ý, gây ảnh hưởng và gây nhầm lẫn tới chính thương hiệu của Doanh nghiệp.
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp làm giả hàng hóa mang nhãn hiệu (đã đăng ký) gây thiệt hại 500.000.000 đồng cho chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Người phạm tội có thể bị phạt tù tối đa đến 3 năm và phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại đã gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu theo theo khoản 2 Điều 226 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Chính vì vậy, để phát triền và tồn tại lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao khả năng tự bảo vệ mình bên cạnh việc phát triển hoạt động kinh doanh, nhất là khi chúng ta đã biết và nhận thức sự quan trọng của việc tạo nên thương hiệu riêng của doanh nghiệp mình.
6. Tuân thủ về quy định thuế, kế toán
Nghĩa vụ thuế được căn cứ trên ba nguyên tắc: chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn. Trong trường hợp kinh doanh không thành lập doanh nghiệp thì cần tuân thủ việc nộp thuế thu nhập cá nhân, nếu đơn vị chi trả thu nhập khấu trừ tại nguồn thì cần quyết toán thuế hằng năm. Trường hợp thành lập doanh nghiệp, cần chú ý kê khai thuế ban đầu, xem xét việc kê khai và đóng các loại thuế tùy theo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có ba loại thuế cơ bản là: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp doanh nghiệp sau khi thành lập sẽ không đi vào hoạt động ngay. Thông thường, trong năm đầu thành lập, doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuế môn bài nhưng vẫn phải thực hiện việc kê khai và nộp đầy đủ, đúng hạn các tờ khai cho cơ quan thuế theo đúng quy định. Nếu doanh nghiệp không thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động gửi cho cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế thì các cơ quan này vẫn mặc định là doanh nghiệp đang hoạt động và việc không kê khai đúng hạn đã vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp còn phát sinh các vấn liên quan đến hoạt động sản xuất, sản phẩm đặc thù hoặc quy trình kinh doanh của doanh nghiệp thì có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất – nhập khẩu… Do đó, việc chậm nộp, trễ hạn, kê khai sai hoặc kê khai thiếu luôn là rắc rối dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không biết cách xử lý hoặc xử lý muộn
Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, trong đó có quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, cụ thể như sau:
“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tạikhoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.”
Trường hợp trong bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng./.