Một số vấn đề liên quan đến Điều kiện của Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Việt Nam đang tăng cường mở rộng kinh tế đối ngoại thông qua các Hiệp ước thương mại với nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm ­đến du lịch, đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng ngày càng tăng lên. Điều này dẫn đến các câu hỏi liên quan đến vấn đề pháp lý của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngày càng nhiều. Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ đem đến cho quý khách hàng những thông tin về chủ đề nói trên.

  • Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật lao động 2019;

– Luật đất đai 2019;

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật xuất nhập cảnh 2019;

– Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);

– Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;

– Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

1. Khái niệm người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Theo góc độ pháp lý, khái niệm người nước ngoài lao động tại Việt Nam được quy định như sau:

Căn cứ Khoản 5, Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 xác định: “Người nước ngoài là  người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam để làm việc.

2. Điều kiện về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Theo Khoản 1, Điều 151, Bộ luật lao động 2019 quy định người lao động nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau đây để làm việc tại Việt Nam:

– Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

(Theo đó, căn cứ Khoản 2, Điều 674 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam. Cụ thể, người nước ngoài được xác định là có năng lực hành vi dân sự khi:

+ Từ đủ 18 tuổi trở lên.

+ Không thuộc trường hợp bị mất, hạn chế năng năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.)

– Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc. – Có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

– Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam.

– Có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp thuộc diện không cần phải cấp giấy phép lao động.

3. Đối tượng được xin cấp giấy phép lao động tại Việt Nam

Giấy phép lao động là văn bản cho phép người nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Trên giấy phép lao động có ghi rõ thông tin về người lao động, bao gồm: Họ tên, số hộ chiếu, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu; tên và địa chỉ của tổ chức nơi làm việc, vị trí làm việc..

Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định Đối tượng được xin cấp mới giấy phép lao động là những người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo các hình thức sau:

– Thực hiện hợp đồng lao động;

– Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;

– Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;

– Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;

– Chào bán dịch vụ;

– Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Tình nguyện viên;

– Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại[1];

– Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;

– Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;

– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Vậy, người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động được coi là làm việc hợp pháp và được bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình trong các mối quan hệ lao động

4. Trường hợp người lao động nước ngoài KHÔNG thuộc diện cấp giấy phép lao động

Căn cứ Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cụ thể như sau:

Ngoài các trường hợp quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 154 của Bộ luật Lao động, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động:

 – Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

–  Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

– Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.

– Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.

– Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

– Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

– Tình nguyện viên quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

– Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.

– Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật.

– Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.

– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

– Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

– Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.

– Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.

5. Điều kiện tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài vào làm việc

Căn cứ Điều 152, Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động được tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài làm việc khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

– Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

–  Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Thời hạn sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 151 Bộ luật Lao động 2019, thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Theo đó, thời hạn của giấy phép lao động theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Lao động 2019 tối đa là 02 năm.

7. Xử lý các hành vi vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Đây là tình trạng xảy ra phổ biến trong thị trường lao động tại Việt Nam, nếu không xin cấp Giấy phép lao động Việt Nam hoặc xác nhận miễn Giấy phép lao động Việt Nam trong quá trình làm việc thì người lao động nước ngoài và doanh nghiệp, tổ chức nơi người lao động nước ngoài đang làm việc sẽ bị phạt rất nặng theo quy định tại Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:

Người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật mà làm việc tại Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng hoặc bị trục xuất theo quy định tại Luật lao động năm 2012; đồng thời theo đó:

Người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực có thể bị phạt tiền lên tới 75.000.000 đồng tùy vào số lượng lao động liên quan.

?️ Các hành vi vi phạm khác và các quy định về mức xử phạt.

? Đối với hành vi vi phạm của người sử dụng lao động.

Theo Khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

“1.  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi vi phạm một trong các hành vi sau:

a) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung, thời hạn về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động;

b) Không gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới cơ quan đã cấp giấy phép lao động đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động”.

? Đối với hành vi vi phạm của người lao động

Theo quy định tại Khoản 3 và 5 Điều 32 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:

a) Làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;

b) Sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực”.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này”.

Trên đây là những vấn đề pháp lý liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Để được tư vấn chi tiết hơn và giải đáp các thắc mắc trong trường hợp bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm@gmail.com hoặc Tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng /./

 

 

[1] Hiện diện thương mại là phương thức cung ứng dịch vụ của một thành viên, thông qua việc thành lập một hiện diện thương mại ở lãnh thổ của một nước thành viên khác theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều I Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) của WTO.( Ví dụ: Công ty Honda Nhật Bản xây dựng các chi nhánh bán xe máy và linh kiện với phụ tùng của hãng trên lãnh thổ của đất nước Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *