NGƯỜI VAY TIỀN CHẾT – AI LÀ NGƯỜI TRẢ NỢ?

Đối diện với áp lực về kinh tế, nhiều người lựa chọn vay tiền để có thể giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, trong thời gian trả nợ, trường hợp người vay tiền không may chết đi thì khoản nợ sẽ được xử lý như thế nào? Người cho vay có bị mất đi số tiền cho vay không? Những người thừa kế của người vay có nghĩa vụ phải trả nợ không? Bài viết dưới đây của Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp thắc mắc trên cho Quý khách hàng về việc xử lý khoản nợ theo quy định của pháp luật:

Cơ sở pháp lý: 

  • Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS);

1. Hợp đồng vay tiền là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành không có định nghĩa về “Hợp đồng vay tiền” mà chỉ có quy định về hợp đồng vay tài sản, cụ thể tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Đồng thời, khoản 1 Điều 105 BLDS quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Theo đó, hợp đồng vay tiền cũng được xem là một loại hợp đồng vay tài sản.

Như vậy, có thể hiểu, hợp đồng vay tiền là sự thỏa thuận giữa các bên mà bên cho vay giao tiền cho bên vay trong một thời hạn nhất định; khi đến hạn trả, bên vay phải trả lại đủ số tiền đã vay và trả thêm lãi (nếu có thỏa thuận).

Bên vay có nghĩa vụ trả tiền cho bên cho vay, cụ thể:

– Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.

– Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất tối đa là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

+ Trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất tối đa không quá 10%/năm của số tiền chậm trả.

2. Người vay tiền chết thì ai là người trả nợ?

Theo Điều 615 BLDS quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

Đồng thời, căn cứ vào khoản 1 Điều 620 BLDS quy định thì người thừa kế không có quyền từ chối di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Như vậy, khi người vay tiền chết, bên cho vay có quyền yêu cầu người thừa kế của người vay trả tiền trong phạm vi di sản của người chết để lại (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) người thừa kế không có quyền từ chối di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người cho vay.

Tuy nhiên, cần lưu ý thêm, trường hợp trong hợp đồng vay tiền, các bên có thỏa thuận về việc chỉ người vay mới là người có nghĩa vụ trả nợ thì khi người này chết nghĩa vụ cũng chấm dứt theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật dân sự 2015.

“Điều 422. Chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

…”

Như vậy, khi người vay tiền chết, người thừa kế của người đó có nghĩa vụ trả tiền trong phạm vi di sản của người chết để lại, trừ trường hợp trong hợp đồng vay tiền thỏa thuận nghĩa vụ trả tiền phải do chính người vay trả hoặc có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thừa kế cố ý không trả, bên cho vay có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu những người này trả nợ. Kèm theo đơn khởi kiện, Bên cho vay cần phải có các giấy tờ chứng minh liên quan đến về việc cho vay, nhận tiền, tài liệu, chứng cứ chứng minh là người vay tiền chết có để lại di sản thừa kế để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người vay tiền đã chết… Bên cạnh đó, cũng cần xem xét thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định tại Khoản 3 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế” (Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết).

 

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ pclawfirm.vn@gmail.com hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 0236.777.3979 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *