Cổ đông chiến lược là một trong những thuật ngữ quen thuộc phổ biến trong loại hình công ty cổ phần. Vậy cổ đông chiến lược là gì? Pháp luật quy định như thế nào về đối tượng này? Bài viết sau đây của Luật Phúc Cầu sẽ giải đáp cho Quý khách hàng về những vấn đề đã nêu trên.
1.Cổ đông chiến lược là gì?
Cổ đông chiến lược được hiểu trước hết là một cổ đông. Theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì cổ đông là “Cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”. Theo đó, cổ đông có thể là tổ chức hoặc là cá nhân. Trong mỗi công ty cổ phần, bắt buộc phải đặt số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn, tức là chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Do đó, cổ đông chiến lược chính là các nhà đầu tư chiến lược trong mô hình doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí sau: (căn cứ khoản 3 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về Chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần):
– Có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;
– Có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 02 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế;
– Có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa về những nội dung sau:
+ Tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 03 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Đối với các doanh nghiệp đã nằm trong danh sách doanh nghiệp đạt thương hiệu Quốc gia, cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể thời gian nhà đầu tư chiến lược phải cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa.
+ Không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
+ Phương án hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa trong việc chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
+ Các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký với mức bồi thường xác định theo thiệt hại thực tế và quyền định đoạt của Nhà nước đối với toàn bộ số lượng cổ phần nhà đầu tư chiến lược mua khi vi phạm các cam kết đã ký
2.Đặc điểm của cổ đông chiến lược
– Là những nhà đầu tư chiến lược ở trong nước hoặc nước ngoài, có thể là một cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ ít nhất 1 cổ phần của công ty. Những chủ thể này là người có năng lực về tài chính và phải cam kết làm việc lâu dài, gắn bó với doanh nghiệp.
– Là những nhà nhà đầu tư này sẽ có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ công ty ở nhiều khía cạnh khác nhau như quản trị nhân sự, quản lý và chuyển giao công nghệ mới, có thể là quản lý phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp,…
– Mỗi doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ có tối đa 3 cổ đông chiến lược và thời gian tối thiểu là 5 năm để cam kết nắm giữ cổ phần đó kể từ thời điểm công ty được cấp giấy chứng nhận kinh doanh.
– Đối với trường hợp các cổ đông muốn nhượng lại cổ phần hay bán lại cổ phần này trước thời hạn thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông trong công ty.
3.Điều kiện để trở thành cổ đông chiến lược
3.1.Đối với cổ đông chiến lược nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 10/2011/TT-NHNN về Quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược đối với ngân hàng thương mại Nhà nước cổ phần hóa, cổ đông chiến lược nước ngoài cần phải đáp ứng được 5 điều kiện sau:
– Là tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc các tổ chức tài chính nước ngoài, có tổng trị giá tài sản tối thiểu tương đương 20 (hai mươi) tỷ đô la Mỹ vào năm trước khi thực hiện việc đăng ký tham gia cổ đông chiến lược;
– Có trên 05 (năm) năm kinh nghiệm trên thị trường hoạt động quốc tế;
– Được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập quốc tế (như Moody’s, Standard & Poor hay Fitch Rating …) xếp hạng ở mức độ có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và thực hiện hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế có sự biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi;
– Không được là cổ đông chiến lược, cổ đông lớn và cổ đông sáng lập tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào tại Việt Nam;
– Phải có cam kết bằng văn bản về việc hỗ trợ hoạt động ngân hàng thương mại Nhà nước cổ phần hóa trong các lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 10/2011/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và phải cam kết gắn bó lâu dài với ngân hàng thương mại Nhà nước cổ phần hóa.
3.2. Đối với cổ đông chiến lược trong nước
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 10/2011/TT-NHNN để trở thành cổ đông chiến lược trong nước cần đảm bảo các tiêu chí sau:
– Doanh nghiệp phải có kinh nghiệm và năng lực quản trị tốt;
– Phải có tổng tài sản tối thiểu 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng vào năm trước năm thực hiện việc đăng ký tham gia cổ đông chiến lược;
– Có đủ nguồn vốn góp để thực hiện. Vốn chủ sở hữu sẽ trừ đi các khoản đầu tư dài hạn bằng vốn chủ sở hữu và tài sản ngắn hạn trừ đi nợ ngắn hạn còn lại tối thiểu bằng số vốn góp theo đã thực hiện đăng ký tham gia cổ đông chiến lược;
– Có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là trên 15%, tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản có (ROA) là trên 1% của năm liền kề trước năm thực hiện việc đăng ký tham gia cổ đông chiến lược và có lợi nhuận ròng dương trong 03 năm liên tiếp trước năm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược;
– Doanh nghiệp không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng;
– Không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông lớn và cổ đông sáng lập tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào tại Việt Nam vào thời điểm thực hiện đăng ký tham gia cổ đông chiến lược;
– Phải có cam kết bằng văn bản về việc hỗ trợ ngân hàng thương mại Nhà nước cổ phần hóa trong một hoặc một số các lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 10/2011/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam;
– Phải thực hiện việc cam kết bằng văn bản không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời gian tối thiểu 05 năm kể từ ngày đăng ký mua cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược và không được thực hiện các giao dịch nào với ngân hàng thương mại Nhà nước cổ phần hóa dẫn đến việc xung đột lợi ích và tạo ra sự độc quyền hoặc có sự cạnh tranh không lành mạnh với khách hàng, nhà đầu tư khác của Ngân hàng thương mại Nhà nước cổ phần hóa và đối với các tổ chức tín dụng khác;
Trường hợp cổ đông chiến lược trong nước là các tổ chức tín dụng, ngoài các điều kiện nêu trên thì phải đáp ứng các tiêu chí sau:
– Phải đảm bảo duy trì các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
– Có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của năm liền kề trước năm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược là trên 10%;
– Có tỷ lệ nợ xấu của năm liền kề trước năm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược là dưới 2%;
– Tổ chức tín dụng không được tham gia mua cổ phần của ngân hàng thương mại Nhà nước cổ phần hóa mà ngân hàng thương mại Nhà nước cổ phần hóa là các cổ đông hoặc thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó vào thời điểm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược.